Danh sách đội tuyển VN chuẩn bị cho hai trận giao hữu gặp Nga và Thái Lan hứa hẹn có những gương mặt mới.
Đội tuyển VN sẽ hội quân vào ngày 30.8 nhằm chuẩn bị cho hai trận đấu trong khuôn khổ LPBank Cup 2024, lần lượt gặp đội tuyển Nga (ngày 5.9) và Thái Lan (10.9) trên Sân vận động Mỹ Đình. Đây là cữ dợt đầu tiên của đội tuyển VN dưới thời HLV Kim Sang-sik nhằm hướng tới AFF Cup 2024. Dù các trận đấu đều mang tính thử nghiệm, nhưng bộ khung con người mà ông Kim triệu tập ở đội tuyển quốc gia sẽ cho thấy phần nào đánh giá của chiến lược gia người Hàn Quốc về thực tế bóng đá VN.
Theo nguồn tin của Báo Thanh Niên, HLV Kim Sang-sik dự kiến gọi từ 26 – 28 cầu thủ. Trong số này, những gương mặt kỳ cựu, đã chứng minh đẳng cấp suốt nhiều năm như Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Văn Lâm, Phạm Tuấn Hải, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Filip… nhiều khả năng góp mặt. Mới trở lại sau chấn thương, Quế Ngọc Hải cũng có thể được triệu tập trở lại, bởi cầu thủ sinh năm 1993 vẫn là trung vệ giàu kinh nghiệm, có khả năng chỉ huy hàng thủ tốt nhất thời điểm này.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao đá giao hữu, HLV Kim Sang-sik vẫn ưu tiên con người cũ? Vấn đề nằm ở khái niệm cũ và mới với tân HLV trưởng như ông Kim là rất… mơ hồ. Dù đã ở VN 3 tháng, song cựu chiến lược gia CLB Jeonbuk Hyundai Motors mới trực tiếp làm việc với đội tuyển VN trong khoảng 2 tuần, khi cầm quân ở vòng loại World Cup 2026 hồi tháng 6. Với cá nhân HLV Kim Sang-sik, cả cựu binh hay tân binh cũng đều là gương mặt mới mẻ, phải làm quen lại từ đầu với triết lý huấn luyện, phương pháp rèn kỹ chiến thuật, thể lực, tâm lý mà ông cùng ban huấn luyện đề ra. Các cựu binh, với thời gian khoác áo đội tuyển VN lâu hơn, sẽ chiếm ưu thế hơn bởi đã quen với nhịp độ thi đấu quốc tế. Nhóm cầu thủ này sẽ là bộ khung nòng cốt để ông Kim Sang-sik xây dựng lối chơi cho AFF Cup 2024, vốn là giải đấu mà đội tuyển VN cần hướng tới sự an toàn.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa HLV Kim Sang-sik sao chép nhân sự của người tiền nhiệm, mà chiến lược gia người Hàn Quốc có những quan điểm chọn lọc, đánh giá riêng. Trong danh sách đội tuyển VN tới đây, dự kiến sẽ có không dưới 8 gương mặt được “chấm” nhờ phong độ cao ở V-League, hay được đôn từ lứa U.22 nhằm chuẩn bị cho lớp kế cận. HLV Kim Sang-sik sẽ đảm bảo liều lượng giữa kinh nghiệm và sức trẻ, giữa cũ và mới theo tỷ lệ cân bằng, để vẫn đảm bảo tiêu chí thử nghiệm, vẫn rèn giũa tối ưu cho bộ khung chính thức.
BÌNH CŨ, RƯỢU MỚI
Đội tuyển VN không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ con người. Vẫn có thể tạo nên cảm hứng mới, tạo dựng lối chơi mới dựa trên gương mặt cũ, nếu HLV Kim Sang-sik giúp học trò duy trì động lực cạnh tranh và liên tục làm mới mình.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đánh giá: “Nòng cốt đội tuyển là thế hệ sinh từ năm 1995 – 2000, hiện chưa đến 30 tuổi, tức là vẫn ở ngưỡng đỉnh cao. Tuy nhiên, không phải cầu thủ nào cũng duy trì phong độ, đã có những cái tên chững lại hoặc đi xuống, không còn động lực. Tâm sinh lý cầu thủ thay đổi theo từng năm, từng giai đoạn cuộc đời. Một cầu thủ của năm 27, 28 tuổi sẽ rất khác chính anh ta ở tuổi 19, 20. Sẽ có những người sa sút, nhưng vẫn có những cầu thủ giàu động lực, mà HLV Kim Sang-sik cần có con mắt tinh tường để nhận ra”.
Ba tháng đồng hành cùng bóng đá VN, HLV Kim Sang-sik đang chọn cách làm mềm dẻo với đội tuyển quốc gia. Đó là sắp xếp cầu thủ về đúng vị trí để phát huy điểm mạnh, thay vì áp đặt một lối chơi cụ thể. Chia sẻ với Báo Thanh Niên, phóng viên Hàn Quốc gọi ông Kim là “cỗ máy chiến thắng” khi chinh phục thành công từ khi còn là cầu thủ đến lúc huấn luyện. Ông không phải một nhà truyền giáo bóng đá, huấn luyện bằng triết lý, mà thiên nhiều hơn về quản trị con người, tạo cho cầu thủ bầu không khí thoải mái để khẳng định mình. Từng là cầu thủ tên tuổi, trở thành trợ lý rồi HLV trưởng, HLV Kim Sang-sik ưu tiên tiếp cận học trò theo kiểu “huynh đệ”. Sự gần gũi, mềm mỏng nhưng cũng kỷ cương của ông Kim sẽ tạo nên tập thể đoàn kết và cứng rắn. Chỉ cần tạo động lực như vậy thôi, ông Kim Sang-sik đã có thể đánh thức tiềm năng đang ngủ quên ở đội tuyển VN.
Còn về lối chơi, thành công và thất bại của những người tiền nhiệm cho thấy trình độ đội tuyển VN dường như vẫn hợp với nền móng phòng ngự phản công, nhưng cần mức độ chủ động cao hơn, cầm bóng nhuần nhuyễn hơn, chơi đa dạng, bền bỉ và quyết liệt hơn. Mọi thay đổi lối chơi đều cần phù hợp với đẳng cấp của nền bóng đá, không thể “đốt cháy giai đoạn”. Cuộc cải tổ của ông Kim đã bắt đầu, nhưng cần đi từng bước rất thận trọng!
Nguồn: thanhnien.vn