Mỹ cho rằng Ukraine không cần sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh bên trong lãnh thổ Nga vì Kiev đã có loại vũ khí khác hiệu quả hơn và có thể gây nhiều thiệt hại hơn cho lực lượng của Moscow.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục yêu cầu phương Tây cho phép tấn công các mục tiêu của Nga bằng tên lửa Storm Shadow trong chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk. Tên lửa này ban đầu được Anh gửi đến Ukraine để giúp Kiev đẩy lực lượng Nga khỏi bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng việc triển khai các tên lửa tầm xa của Anh trên lãnh thổ Nga sẽ bị Điện Kremlin coi là hành động leo thang và từ đó thúc đẩy Nga trả đũa các đối tác của Ukraine.
Ukraine đã có vũ khí hiệu quả hơn?
Bất chấp đề nghị của ông Zelensky, các nước phương Tây đã tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của tên lửa Storm Shadow, lập luận rằng Ukraine đã có vũ khí cần thiết để chống lại lực lượng của Moscow trên lãnh thổ Nga.
Một quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với tờ The Telegraph rằng, Ukraine không cần sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh bên trong lãnh thổ Nga vì Kiev đã có loại vũ khí khác hiệu quả hơn.
“Ukraine đã có thể tạo ra tác động thực sự bằng chương trình UAV tầm xa của riêng họ. Họ đã chứng minh được khả năng tấn công một số sân bay nằm ngoài tầm bắn của Storm Shadow bằng UAV tự sản xuất nội địa”, vị quan chức này cho biết.
Ukraine cũng đã sử dụng UAV tự sát trong chiến dịch đột kích vào lãnh thổ Nga từ hôm 6/8.
Tuần trước, ông Zelensky cho biết UAV của Ukraine đã tấn công 4 sân bay của Nga nhưng lập luận rằng thành công của nhiệm vụ này cho thấy Kiev vẫn cần phải có tên lửa tầm xa.
“Có những nhiệm vụ không thể thực hiện chỉ bằng máy bay không người lái. Chúng tôi cần một vũ khí khác, đó là tên lửa tầm xa”, Tổng thống Ukraine cảnh báo.
Trong một tuyên bố ngày 19/8, ông Zelensky tuyên bố cuộc tấn công vào Kursk có thể đã không xảy ra nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadows để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
“Nếu các đối tác của chúng tôi dỡ bỏ mọi hạn chế hiện tại trong việc sử dụng vũ khí viện trợ, chúng tôi sẽ không cần phải tiến hành một cuộc xâm nhập trực tiếp như chiến dịch đang diễn ra ở Kursk để loại bỏ khả tấn công của Nga”, ông Zelensky nhấn mạnh trong bài phát biểu ở Kiev.
Về việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ trong cuộc tấn công vào Kursk, cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều chưa chính thức xác nhận.
Tuy nhiên, có sự thừa nhận rộng rãi rằng Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống vũ khí của Mỹ và NATO. Trên thực tế, một số báo cáo đã nêu bật vai trò quan trọng của hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp trong chiến dịch này.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng, các lực lượng Ukraine được cho là đang sử dụng thiết bị do phương Tây cung cấp ở tỉnh Kursk nhưng vẫn còn hạn chế về khả năng tấn công các mục tiêu quân sự của Nga bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Mỹ chưa bật đèn xanh cho đồng minh
Theo tờ The Times, giới chức Anh đã tiếp cận các đối tác Mỹ liên quan tới yêu cầu dỡ bỏ hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công tầm xa vào Nga. Tuy nhiên, đề nghị của phía London vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Washington.
Hôm 19/8, một người phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết nước này đang đối thoại với các đồng minh về cách “đoàn kết trong việc ủng hộ Ukraine”. Người này không đưa ra bất kỳ thay đổi nào về chính sách nhưng cho biết “luôn có những cuộc trao đổi giữa chúng tôi”.
Các quan chức Anh cho rằng Mỹ đang chờ đánh giá tác động của chiến dịch đột kích vào Kursk trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Họ đang phân tích xem cuộc tấn công của Ukraine có thể thay đổi bối cảnh chính trị và quân sự của cuộc xung đột hiện nay như thế nào và những tác động của nó đối với các chính sách của Mỹ về việc Kiev sử dụng vũ khí do Washington cung cấp.
Những tranh luận về tên lửa Storm Shadow là bất đồng gần đây nhất giữa Ukraine và các đồng minh về việc nên cung cấp khí tài quân sự nào của phương Tây để hỗ trợ nỗ lực của Kiev trong cuộc chiến chống lại Nga.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga trong khi tránh mọi hành động có thể dẫn đến leo thang trực tiếp giữa Mỹ và Nga.
Phía Mỹ hiện cũng chưa cho phép Ukraine triển khai tên lửa ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội) trong các cuộc tấn công ở Kursk. Tuy nhiên, lý do được nêu ra là do số lượng có sẵn hạn chế của các loại vũ khí tầm xa này.
Washington tỏ ra nghi ngờ tuyên bố của ông Zelensky rằng tên lửa do phương Tây cung cấp sẽ được sử dụng để tấn công máy bay ném bom lượn của Nga. Theo các nguồn tin của Nhà Trắng, hầu hết các sân bay được Nga sử dụng để triển khai máy bay ném bom đều cách xa tiền tuyến hơn so với tầm bắn 250km của tên lửa Storm Shadow.
Nguồn: vov.vn