Chính phủ Trung Quốc mới đây đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 5 dự án mới với con số kỷ lục lên tới 11 tổ máy điện hạt nhân ở 5 tỉnh khác nhau.
Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc trong đẩy mạnh xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cắt giảm khí thải như một phần của quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và carbon thấp.
Truyền thông Trung Quốc ngày 20/8 dẫn thông tin từ các quan chức Cục Năng lượng Quốc gia (NEA) cho biết, 5 dự án điện hạt nhân mới được phê duyệt gồm 11 tổ máy điện hạt nhân, sử dụng công nghệ hạt nhân thế hệ thứ ba và thứ tư do Trung Quốc tự phát triển, xây dựng ở 5 tỉnh ven biển gồm Giang Tô, Sơn Đông và Chiết Giang ở miền Đông, cùng Quảng Đông và Quảng Tây ở miền Nam, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 220 tỷ nhân dân tệ (hơn 30 tỷ USD).
Trong đó, 6 tổ máy điện hạt nhân thuộc 3 dự án do CGN Power Co., công ty thuộc Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN) xây dựng.
Dự án nhà máy điện hạt nhân sưởi ấm ở Từ Vu (Xuwei), tỉnh Giang Tô, do Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) điều hành, sử dụng công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ tư và là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới kết hợp lò phản ứng làm mát bằng khí ở nhiệt độ cao với lò phản ứng nước điều áp.
Đây cũng là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Trung Quốc có mục đích chính là cung cấp hơi nước và sưởi ấm, kèm cung cấp điện. CNNC cho biết, dự án này sẽ cung cấp hơi nước công nghiệp carbon thấp cho cơ sở hóa dầu Liên Vân Cảng và thúc đẩy quá trình khử cacbon của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Theo công ty này, giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, sản xuất 32,5 triệu tấn hơi nước công nghiệp hàng năm và tạo ra hơn 11,5 tỷ kilowatt giờ điện, cắt giảm 7,26 triệu tấn than tiêu thụ và 19,6 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO₂).
Kể từ năm 2020, số lượng tổ máy điện hạt nhân được phê duyệt ở Trung Quốc tăng lên từng năm. Trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm nước này phê duyệt thêm 10 tổ máy điện hạt nhân mới. Tính đến tháng 5/2024, Trung Quốc có 26 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng, đứng đầu thế giới.
Dự đoán, đến năm 2030, đất nước tỉ dân sẽ vượt qua Pháp và Mỹ trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu toàn cầu.
Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc, quốc gia này hiện có 56 lò phản ứng đang hoạt động với tổng công suất chiếm khoảng 5% nhu cầu sử dụng điện toàn quốc.
Hồi đầu tháng, Trung Quốc đã chính thức ban hành văn bản nhằm triển khai một cách có hệ thống quá trình chuyển đổi xanh toàn diện, trong đó đề xuất đẩy nhanh xây dựng các cơ sở năng lượng sạch như quang điện và điện gió ở khu vực Tây Bắc và điện hạt nhân ở các địa phương ven biển. Đến năm 2030, nâng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng phi hóa thạch lên khoảng 25%.
Có chuyên gia dự báo cho rằng, các lò phản ứng làm mát bằng khí ở nhiệt độ cao sản xuất tại Trung Quốc dự kiến sẽ sớm được xuất khẩu. Xuất khẩu điện hạt nhân có thể trở thành điểm tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế Trung Quốc.
Nguồn: vov.vn