VTV.vn – Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 170 ca mắc sốt rét, trong đó riêng huyện miền núi Khánh Vĩnh có 160 ca.
Khánh Đông là một trong 3 xã “điểm nóng” về sốt rét của huyện Khánh Vĩnh năm 2024. Trước đó, năm 2023, toàn xã ghi nhận 8 ca, trong khi chỉ mới khoảng 8 tháng của năm 2024, số ca mắc tăng gấp 6 lần. Các ca bệnh hầu hết là người trong một gia đình, có tiền sử đi rừng, ngủ rẫy, tình trạng bệnh đều ở thể nhẹ, không có biểu hiện nóng, sốt.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Khánh Đông khẳng định, dù xã đã lập chốt chặn ở 4 điểm cửa ngõ vào rừng, tuyên truyền về phòng tránh, ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng lao động… nhưng vẫn rất khó khăn khi thực hiện phòng, chống sốt rét. Trong đó, trở ngại lớn nhất vẫn là ý thức của người dân.
Ông Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa thông tin, hiện số ca mắc sốt rét mỗi tuần của huyện Khánh Vĩnh đã giảm so với trước đó. Đối với các xã là “điểm nóng”, UBND xã vận động người dân không vào rừng, chỉ những hộ làm rẫy mới vào làm. UBND xã Khánh Đông, Khánh Thượng lập chốt kiểm tra tình trạng người dân ra vào rừng…
Tuy đã triển khai nhiều giải pháp nhưng việc phòng, chống sốt rét ở Khánh Vĩnh đang đối diện nhiều thách thức. Đặc biệt, muỗi truyền bệnh sốt rét vẫn trú ẩn trong rừng, trong khi cuộc sống của người dân gắn liền với rừng, rẫy nên việc cắt nguồn lây gặp khó khăn. Thời gian tới, ngành Y tế địa phương đẩy mạnh sử dụng các loại hóa chất xua, diệt muỗi, kêu gọi người dân phát quang bụi rậm xung quanh nhà, nhà trên rẫy để chủ động phòng bệnh sốt rét. Nhân viên y tế cung cấp thông tin khung giờ muỗi sốt rét đốt người để ai cũng có thể chủ động phòng ngừa.
Đoàn kiểm tra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã điều tra, đánh giá sốt rét tại xã Khánh Hiệp, địa phương có nguy cơ cao về mắc sốt rét. Kết quả cho thấy: Đa số ca mắc được phát hiện là nhờ xét nghiệm máu, do đó nếu làm tốt công tác tầm soát ca mắc trong cộng đồng, khoanh vùng có ca mắc khi phát hiện, điều trị tốt sẽ nhanh chóng ổn định tình hình. Điều tiên quyết là ý thức của người dân, phải chủ động khai báo, thực hiện xét nghiệm tại cơ quan y tế sau khi đi từ vùng có nguy cơ bệnh hoặc từ rừng về.
Ông Nguyễn Hữu Sinh, Trưởng Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, các giải pháp của huyện Khánh Vĩnh đang triển khai hiện nay đã “mạnh” hơn so với giai đoạn trước (cuối năm 2023 – đầu năm 2024). Tuy nhiên, người dân vẫn chưa chủ động đến khai báo khi đi rừng trở về khiến công tác lấy mẫu lam, tầm soát ca mắc tiềm ẩn trong cộng đồng của đơn vị y tế gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn đánh giá, tình hình sốt rét tại huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Qua các hoạt động lấy mẫu lam, xét nghiệm sinh học phân tử ở địa bàn “điểm nóng” về sốt rét vẫn còn phát hiện nhiều ca mắc hằng tuần. Hiện Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn tăng cường nhân lực, vật lực hỗ trợ công tác phòng, chống sốt rét tại huyện Khánh Vĩnh bởi đây là thời điểm người dân còn vào rừng, nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây từ các loại ký sinh trùng rất cao.
Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, từ đầu năm đến ngày 1/8, toàn quốc ghi nhận 256 bệnh nhân sốt rét, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023, riêng Khánh Hòa có 173 ca. Trong số 256 ca mắc có 27 trường hợp sốt rét ác tính, chiếm 10,5%, không có trường hợp tử vong, trong đó Khánh Hòa có 13 trường hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!