Friday, August 30, 2024

Cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào

Cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Đó là một trong những ý kiến đóng góp của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn – Kiều bào Việt Nam tại Philippines, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) tại “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới” lần thứ 4, năm 2024.

Cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá, công tác ngoại giao nhân dân trong những năm qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, kiều bào ta ở nước ngoài, với hơn 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ là một lực lượng quan trọng không thể thiếu, đã làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân, cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của đất nước.

Ông cho biết, ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ông đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TP.HCM – Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam.

“Sau đó, tôi đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương và từ đó tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế. Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá.

Ông Hạnh Nguyễn cho rằng, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông cũng đóng góp 4 ý kiến nhằm giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Một là, về thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào. Theo ông Hạnh Nguyễn, thế hệ trẻ là nguồn lực tiềm năng lớn cho đất nước. Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

“Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây tôi nhận thấy có rất nhiều các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Cũng theo ông Hạnh Nguyễn, ở TP.HCM hiện có gần 100 công ty start up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Hoa Kỳ. Để có thể phát huy khả năng cũng như tranh thủ những công nghệ mới của lực lượng này sáng tạo ra, ông đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox, tức là cho phép những thử nghiệm mà không đòi hỏi nhiều giấy phép.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch, làm căn cước, sổ hộ khẩu để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam. Bởi theo ông, điều này là vô cùng quan trọng và hiện nay nhiều kiều bào trẻ đang gặp khó khăn trong vấn đề này.

Hai là, về hoàn thiện môi trường đầu tư. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng vẫn cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Do đó, cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn (thứ 5 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và các đại biểu tham dự Hội nghị.

Ba là, chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực (Regional Innovation Hubs). Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệ thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên cần quy hoạch các “cụm công nghệ” với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các startup công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu.

“Cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực công nghệ của quốc gia mà còn mang đến nguồn vốn và tri thức quốc tế cho quá trình chuyển đổi số”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị.

Bốn là, chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch. Theo ông Hạnh Nguyễn, Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế, nhưng để phát triển bền vững và tạo ra sự khác biệt, cần tận dụng tốt hơn sự kết nối với mạng lưới tại các thị trường lớn quốc tế thông qua cộng đồng Việt kiều toàn cầu.

Chúng ta cần có các cơ chế hỗ trợ kết nối các hệ thống cửa hàng bán lẻ của kiều bào tại nước ngoài để trưng bày và bán các sản phẩm Việt. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Mặt khác, Việt Nam cần đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp hoá hệ thống bán lẻ tại các điểm du lịch, cần phát triển các trung tâm thương mại, tích hợp với tiêu chuẩn quốc tế để thu hút khách du lịch.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi