Friday, November 29, 2024

Doanh nghiệp SME chưa thể “mạnh tay” cho đổi mới sáng tạo xanh

Năng lực hạn chế khiến doanh nghiệp SME gặp khó trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh vốn đòi hỏi đầu tư lớn cho công nghệ, nhân sự.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp SME) chiếm khoảng 95% trong cộng đồng doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp SME tham gia vào chuyển đổi xanh chính là để khối doanh nghiệp này đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu bảo vệ môi trường, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

Doanh nghiệp SME chưa thể “mạnh tay” cho đổi mới sáng tạo xanh

Các doanh nghiệp sản xuất ống hút từ bột gạo vừa gia tăng giá trị cho hạt gạo vừa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh

Thực hiện chuyển đổi xanh, theo các chuyên gia, doanh nghiệp SME tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh và tối đa hóa các nguồn lực để phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đáp ứng trước các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư, tăng năng suất, năng lực công nghệ.

Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) thực hiện cho thấy, nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo xanh, nhiều địa phương và doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp SME đã quan tâm triển khai ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm… Những mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh…

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG, đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được triển khai. Trong điều kiện nguồn lực tài chính, nhân lực hạn chế nhưng doanh nghiệp SME đã rất sáng tạo, tìm kiếm phương thức đổi mới phù hợp với năng lực hiện có, không cần đầu tư nhiều vốn. Chẳng hạn như điều chỉnh sản phẩm hiện có phù hợp với thị hiếu tiêu dùng; thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật để khắc phục lỗi phát sinh từ thực tiễn; cải tiến hệ thống để thực hiện những công đoạn lẽ ra phải dùng đến những máy móc chuyên dùng đắt tiền…

Đổi mới sáng tạo theo hướng xanh đòi hỏi hàm lượng công nghệ lớn nhưng thực tế, qua khảo sát của CIEM, mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp. Các doanh nghiệp chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản).

Doanh nghiệp SME chưa thể “mạnh tay” cho đổi mới sáng tạo xanh

Để thúc đẩy doanh nghiệp SME đổi mới sáng tạo xanh, cần các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính để gia tăng nguồn lực

Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều; việc thực hành ESG hạn chế. Theo Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2023, tỷ lệ doanh nghiệp triển khai một hoạt động xanh hóa bất kỳ trong 2 năm 2022-2023 trung bình toàn quốc là 38,7%; tỷ lệ doanh nghiệp đã áp dụng các thực hành xanh tính đến thời điểm trước đây 2 năm trung bình toàn quốc là 17,7%.

Để bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp SME thực hiện các nhiều hoạt động xanh hóa như số hóa công việc giấy tờ để giảm sử dụng giấy; sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng; giảm tiêu thụ và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các hoạt động; sử dụng năng lượng tái tạo; sản xuất năng lượng tái tạo; giảm thiếu việc sử dụng nhựa trong quá trình sản xuất và đóng gói…

Doanh nghiệp SME thiếu sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong đổi mới sáng tạo xanh, ngoài năng lực nội tại hạn chế, còn có nguyên nhân khách quan khác. Theo nhiều doanh nghiệp SME, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp dành ưu tiên lớn nhất cho việc duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Vì vậy, dù nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo, phải chuyển đổi theo hướng xanh để phù hợp với xu hướng phát triển nhưng doanh nghiệp không thể “mạnh tay” đầu tư cho đổi mới sáng tạo xanh.

Thực tế từ các nền kinh tế lớn trên toàn cầu như Anh, Canada, châu Âu, để thúc đẩy doanh nghiệp SME chuyển đổi xanh cần có sự chung tay, đồng hành từ phía Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ ban đầu để doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghiệp, đổi mới sáng tạo xanh; đồng thời phát triển các giải pháp tài chính và phi tài chính hỗ trợ, cải cách thủ tục, tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img