Friday, August 30, 2024

Giá nhà trọ tăng, sinh viên đau đầu tìm chỗ ở

Mùa nhập học cận kề, thị trường nhà trọ cũng trở nên sôi động. Tuy vậy, giá thành nhà trọ liên tiếp bị ‘thổi cao’ khiến nhiềusinh viên đau đầu tìmchỗ ở.

Tìm trọ giá 3 triệu như “hái sao trên trời”

Phạm Thanh Bình (sinh viên Trường đại học Thăng Long) đang ở phòng trọ chỉ 15 m2 trên phố Khâm Thiên (Hà Nội), cho biết chưa tính tiền dịch vụ nhưng giá thuê đã lên đến 3,1 triệu đồng/tháng. Tại khu vực này, các nhà trọ cho thuê đều dao động từ 3,5 – 5 triệu đồng/tháng.

Giá nhà trọ tăng, sinh viên đau đầu tìm chỗ ở

Những căn phòng trọ rộng chưa đến 16 m2 có giá thành từ 3,5 – 3,8 triệu đồng/tháng

ẢNH: TRANG NHUNG

Từng nhiều năm kinh nghiệm thuê trọ, Bình nhận xét, mức giá này tăng cao so với các năm trước. Tuy vậy, chất lượng lại không đi đôi với giá thành.

“Năm 2020, giá phòng ở nội thành Hà Nội gần 2 triệu đồng/tháng, nhưng sạch sẽ và tiện nghi. Còn giờ, cầm 3 triệu trong tay chưa chắc đã thuê được phòng trọ, có thuê được thì cũng chỉ là những căn phòng xập xệ, chật hẹp hơn gian bếp bình thường. Chưa kể còn phải đóng một loạt chi phí phát sinh như tiền dịch vụ, tiền sửa sang lại nhà cửa…”, Bình nhận xét.

Sau khi nhận kết quả trúng tuyển Học viện Tài chính, Trần Thanh Lâm (Lào Cai) cùng mẹ gấp rút tìm chỗ thuê trọ tại Hà Nội. Rà trên mạng, Lâm tìm được căn phòng ưng ý. Thế nhưng, khi đến tận nơi, Lâm thất vọng thấy đó là một phòng trọ rộng chưa đầy 16 m2 song giá thành đã lên 4 triệu đồng/tháng, đóng 3 tháng/lần.

Ngoài chi phí phòng trọ, nam sinh còn phải đóng thêm các chi phí dịch vụ hằng tháng như 150.000 đồng tiền nước, 100.000 đồng tiền internet, tiền điện 4.000 đồng/số, tiền gửi xe 20.000 đồng/xe…

“Còn là sinh viên, chưa đi làm nên khi biết giá thành em vô cùng ngỡ ngàng. Đi khảo giá, tham khảo bạn bè thì được biết giá thành chung đều vậy. Tuy vậy, mẹ vẫn động viên em thuê, tiền nhà gia đình sẽ hỗ trợ. Em không nghĩ chi phí ở thủ đô lại đắt đỏ như vậy”, Lâm tâm sự.

Dạo quanh các hội nhóm cho thuê phòng trọ, phần đông sinh viên, người đi làm đều than thở việc nhiều chủ nhà tăng giá phòng. Có trường hợp, nhiều chủ nhà bất ngờ tăng giá mà không báo trước khiến người thuê trở tay không kịp.

Thảo Vân (sinh viên năm 3, Trường đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ, một ngày nhận được thông báo phòng trọ chuyển quản lý và làm lại hợp đồng mới. Khi xem hợp đồng, nữ sinh hoảng hốt bởi giá phòng đã tăng thêm 500.000 đồng/tháng.

“Trước đó, mình cùng những người thuê khác không hề nhận được thông tin khu trọ tăng giá. Hỏi chủ nhà thì họ chỉ trả lời qua loa rằng tăng theo giá thị trường, chi phí lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn trật tự, PCCC…”, Thảo Vân bức xúc.

Đến hẹn lại… tăng

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số khu vực gần các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…, phòng trọ cho 1 – 2 người có giá dao động thấp nhất từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Những căn hộ studio hay chung cư mini có giá thành đắt hơn, lên đến 7 – 8 triệu đồng/tháng.

Giá nhà trọ tăng, sinh viên đau đầu tìm chỗ ở

Giá thuê trọ tăng mạnh, dao động 4,5 – 7 triệu đồng/tháng

TRANG NHUNG

Tại những khu vực gần các Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp…, tình trạng tăng giá nhà trọ khá phổ biến. Nhiều căn phòng diện tích chưa đến 15 m2 nhưng giá thành đã từ 4 triệu – 4,5 triệu đồng/tháng, chưa tính phí dịch vụ đi kèm.

Trước mức giá nhà trọ đắt đỏ như trên, để giảm bớt chi phí, nhiều bạn trẻ đành chấp nhận ở ghép theo mô hình phòng ngủ tập thể nhiều giường, sleep box, hoặc tăng giờ làm thêm để kiếm tiền chi trả.

Hồ Ngân (sinh viên năm 4, Trường đại học Thủy lợi) cho hay, tùy điều kiện kinh tế để mỗi cá nhân đưa ra lựa chọn phù hợp. Mô hình phòng ngủ tập thể tuy bất tiện nhưng giá thành lại hợp túi tiền, rẻ hơn 1/3 – 1/4 so với việc tự thuê trọ bên ngoài. Giá rẻ, phòng đầy đủ nội thất nên mô hình này được các tân sinh viên vô cùng ưa chuộng.

Lý giải về việc giá nhà trọ tăng chóng mặt trong thời điểm trước ngày tựu trường, ông Nguyễn Huy Lợi (chủ một hệ thống nhà trọ tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nguyên nhân là do vừa rồi liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn trên địa bàn, nên cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống PCCC. Nhiều nhà trọ không đảm bảo được an toàn cháy nổ đã bị buộc dừng hoạt động. Nhiều chủ trọ phải đầu tư hàng triệu đến hàng chục triệu đồng để lắp đặt các thiết bị PCCC, bảo hộ thông minh nên giá cả tăng là điều tất yếu.

Dù vậy, ông Lợi không phủ nhận hiện tượng nhiều chủ trọ tranh thủ thời điểm nhu cầu tìm trọ của tân sinh viên tăng cao để đẩy giá thuê lên. Thời điểm “kích” giá mạnh mẽ nhất rơi vào tầm tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi các trường đại học đã công bố điểm chuẩn và sinh viên đổ về Hà Nội nhập học.

“Đa phần những phòng trọ kiểu này là người kinh doanh thuê, thầu nguyên căn nhà, dãy trọ sau đó cho thuê lại. Tân sinh viên phải trả thêm khoảng 200.000 – 500.000 đồng/tháng cho môi giới nhà trọ nếu tìm phòng qua trung gian”, ông Huy thông tin.

Còn Gia Linh (nhân viên môi giới nhà trọ), cho rằng câu chuyện phòng trọ “đến hẹn lại tăng” không còn quá xa lạ. Có muôn vàn lý do chủ nhà đưa ra để nâng giá như: nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao khi năm học mới bắt đầu; chủ nhà đầu tư chi phí tu sửa, trang bị hệ thống đáp ứng an toàn PCCC theo yêu cầu của cơ quan chức năng sau một loạt vụ cháy nổ…

Linh cho biết, mỗi ngày cô nhận được hàng chục tin nhắn yêu cầu tư vấn và dẫn đi xem phòng. Trường hợp kỳ kèo giá tiền, chủ trọ không có nhu cầu giữ khách cũng như nhất định không xuống giá.

“Hàng năm, cứ đến đợt sinh viên nhập học là nhà trọ đua nhau tăng giá, đặc biệt tại khu vực tập trung các trường đại học. Tâm lý của chủ nhà trọ hiện tại là không sợ thiếu khách nên đến xem mà mặc cả, họ đuổi về, chẳng giữ đâu. Bạn nào may mắn thì xin được vào ký túc xá của trường, không thì đành “cắn răng” chi tiền để có chỗ ở”, Gia Linh phản ánh.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi