Điện Biên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư; chủ động tiếp cận các nhà đầu tư có tiềm lực để giới thiệu và đề xuất các dự án phát triển đô thị.
Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương.
Dư địa mới
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên: Hiện tại, cơ quan chủ trì của tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, hoàn thiện các nội dung của hồ sơ để thống nhất với Quyết định phê duyệt quy hoạch làm cơ sở cập nhật dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia. Qua xem xét các nội dung liên quan đến công tác quản lý của ngành thì hồ sơ còn nhiều nội dung tồn tại cần phải rà soát để hoàn chỉnh về hệ thống bản đồ, sở đồ, dữ liệu thông tin…
Đây là nội dung quan trọng làm cơ sở để các ngành, các địa phương tổ chức triển khai các nội dung được thống nhất, hiệu quả đảm bảo theo định hướng của quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024, ngay sau đó, Sở Xây dựng đã nghiên cứu, phối hợp, hướng dẫn triển khai các nội dung liên quan đến quy hoạch chuyên ngành xây dựng. Sở đã phối hợp với cơ quan chủ trì (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho ý kiến tham gia trong công tác rà soát các nội dung thuộc lĩnh vực của ngành xây dựng để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo thống nhất với Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; cho ý kiến tham gia vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Điện Biên.
Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn cho phù hợp với định hướng của quy hoạch tỉnh đã phê duyệt.
Đặc biệt, Sở đã tham mưu các nội dung cho UBND tỉnh trong công tác tổ chức lập quy hoạch đô thị, công tác kêu gọi thu hút đầu tư các nguồn lực ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh tuân thủ theo các định hướng của quy hoạch tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan.
“Trong thời gian tới, căn cứ nội dung hồ sơ quy hoạch tỉnh Điện Biên, Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương nghiên cứu tham mưu, triển khai các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”- ông Phong cho biết.
Tạo điểm nhấn
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thệ thống đô thị của Điện Biên phát triển chưa cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng, để khắc phục tình trạng này ông Phong chia sẻ: Trong thời gian tới, Điện Biên sẽ tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển đô thị; hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; huy động và quản lý nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ; thu hút dân cư đô thị…
Để tạo đột phá phát triển về hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế – xã, tạo sự kết nối, phát triển đồng bộ trong hệ thống đô thị, Điện Biên sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là hệ thống giao thông; xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá và là động lực phát triển của tỉnh. Tỉnh tập trung sớm đầu tư, nâng cấp và hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại TP Điện Biên Phủ; các thị trấn, trung tâm các khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Điện Biên sẽ phát triển đô thị gắn với 03 vùng kinh tế (Vùng kinh tế động lực: TP Điện Biên Phủ – huyện Điện Biên – huyện Điện Biên Đông; vùng kinh tế II: huyện Tủa Chùa – huyện Tuần Giáo – huyện Mường Ảng; vùng kinh tế III: huyện Mường Nhé – huyện Nậm Pồ – thị xã Mường Lay).
“Điểm nhấn phát triển đô thị của tỉnh Điện Biên sẽ theo hướng xanh, thông minh, bản sắc và tiết kiệm tài nguyên. Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển tỉnh; tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng liên thông và đa mục tiêu; liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh, tạo dựng các liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; tận dụng các lợi thế về giao thương quốc tế thông qua các cửa khẩu quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo đó, tỉnh phát triển TP Điện Biên Phủ trở thành thành phố du lịch văn hóa – lịch sử cách mạng cấp quốc gia; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Điện Biên. Thành phố giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng – an ninh của vùng Tây Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc; đầu mối giao lưu về kinh tế đối ngoại và văn hóa, du lịch với các tỉnh Bắc Lào, Nam Trung Quốc, Thái Lan và Myanma; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trong điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc.”- ông Phong nhấn mạnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn