Sunday, November 24, 2024

Vì sao không chọn Việt Nam đầu tư ô tô điện?

Đến nay, Việt Nam chưa thu hút được dự án đầu tư nước ngoài lớn nào vào ô tô điện. Nguyên nhân là do chính sách dành cho ô tô điện thiếu đồng bộ, không đủ hấp dẫn.

Không chọn Việt Nam

Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) sẽ đầu tư 1 tỷ baht (28 triệu USD) để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Thái Lan. Thông tin này được Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) xác nhận vào ngày 7/8 vừa qua. Nhà máy của Hyundai dự kiến sẽ đặt tại khu vực phía Đông Nam thủ đô Bangkok và bắt đầu hoạt động từ năm 2026.

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, tập đoàn Hyundai đang sở hữu 2 thương hiệu lớn là Hyundai và Kia. Doanh số bán của Hyundai và Kia tại Đông Nam Á năm 2023 khoảng 200.000 xe. Trong đó, riêng thị trường Việt Nam chiếm hơn một nửa với thương hiệu Hyundai 67.450 xe và Kia 40.773 xe.

Vì sao không chọn Việt Nam đầu tư ô tô điện?

Thái Lan đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án ô tô điện.

Vào năm 2023, Liên doanh Hyundai – Thành Công đã lắp ráp mẫu ô tô điện Hyundai Ioniq 5 tại nhà máy ở Ninh Bình và bán ra cho khách hàng với giá khởi điểm 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, hãng xe Hàn Quốc đã không có thêm kế hoạch nào dành cho ô tô điện tại Việt Nam. Thật bất ngờ khi Thái Lan lại được lựa chọn trở thành địa điểm sản xuất pin và lắp ráp xe điện của hãng xe Hàn Quốc.

BYD hãng xe lớn của Trung Quốc, đã từng có ý định đầu tư nhà máy sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. BYD dự định sẽ sử dụng 100 ha đất tại khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ, để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện. Nhưng tới đầu năm 2024 đã quyết định tạm hoãn kế hoạch này. Trong khi đó, vào quý II/2024, BYD đã khởi công xây một nhà máy xe điện ở Indonesia với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, sản lượng 150.000 xe/năm. Còn tại Thái Lan, một nhà máy sản xuất ô tô điện quy mô 150.000 xe/năm của BYD đã đi vào hoạt động từ quý II/2024.

Đến nay, Việt Nam chưa thu hút được dự án đầu tư nước ngoài lớn nào vào ô tô điện. Mới đây có hãng Chery (Trung Quốc) liên doanh với tập đoàn Geleximco đầu tư dự án ô tô tổng vốn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe/năm tại Thái Bình. Tuy nhiên, sẽ sản xuất cả xe xăng, xe hybrid, xe điện và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu công suất chỉ 50.000 xe/năm, hoàn thành vào 2026 và theo kế hoạch phải đến 2035 mới hoàn thành giai đoạn 3.

Chính sách thiếu hấp dẫn

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang “chậm chân” trong việc thu hút đầu tư vào phát triển ô tô điện. Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, nguyên nhân chính khiến các hãng xe lớn không chọn Việt Nam là do chính sách dành cho ô tô điện thiếu hấp dẫn.

Hiện ô tô điện tại Việt Nam chỉ được miễn lệ phí trước bạ lần đầu đến hết ngày 28/2/2025 và hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1-3%, đến hết 28/2/2027. Sau thời điểm này sẽ điều chỉnh tăng lên. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%, nếu đạt sản lượng riêng và chung tối thiểu theo quy định.

Vì sao không chọn Việt Nam đầu tư ô tô điện?

Mẫu xe điện Hyundai Ioniq 5 đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam từ 24/4/2022.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cần một hệ thống chính sách đồng bộ, có ưu đãi, hỗ trợ đủ lớn và dài hạn cho sản xuất lắp ráp ô tô điện, vẫn chưa thấy đâu.

Ngược lại, Thái Lan và Indonesia đang trở thành hai điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á, đối với các nhà đầu tư sản xuất xe điện. Đến nay, hai quốc gia này đã ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn và thật sự hấp dẫn dành cho xe điện như: đánh thuế dựa trên phát thải Co2, tức là xe có phát thải càng thấp thì thuế càng giảm; cùng với đó là ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư; trợ giá hào phóng cho người tiêu dùng mua ô tô điện; đơn giản các thủ tục hành chính đối với ô tô điện và hỗ trợ phát triển hạ tầng…

Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, Thái Lan và Indonesia đã thu hút được hàng tỷ USD đầu tư vào sản xuất xe điện, từ nhiều hãng xe lớn trên thế giới với nhiều dự án lớn. Thái Lan và Indonesia đã xây dựng kế hoạch đầy tham vọng, đó là trở thành cường quốc xe điện của thế giới vào năm 2040.

Thái Lan và Indonesia là thành viên của khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vì vậy thị trường còn mở ra toàn Đông Nam Á, với quy mô gần 700 triệu dân. Ô tô điện từ Thái Lan, Indonesia đưa sang Việt Nam, ngoài được hưởng thuế nhập khẩu 0%, còn được nhận được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ ngang bằng xe sản xuất lắp ráp trong nước. Trong khi chi phí sản xuất tại Thái Lan và Indonesia thấp hơn Việt Nam tới 20%, lại còn được nhận ưu đãi và hỗ trợ lớn, nên lợi ích càng nhân lên. Vì vậy, các hãng xe chẳng hào hứng gì với kế hoạch đầu tư vào Việt Nam mà chuyển hướng đầu tư sang Thái Lan và Indonesia.

BYD “tạm hoãn” đầu tư nhưng không bỏ qua thị trường Việt Nam. Hãng xe này đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, cùng kế hoạch đưa xe sản xuất từ Thái Lan và Indonesia về phân phối. Các hãng xe khác cũng sẽ làm như vậy. Sắp tới có thể ô tô điện Hyundai sản xuất lắp ráp tại Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img