Luôn ghi dấu với cá tính mạnh mẽ của một “city-girl”, hot mom Lâm Thúy Nhàn một lần nữa mang đến những góc nhìn mới mẻ về ngày Tết Trung thu. Trong suy nghĩ của một người mẹ hiện đại, ngày lễ trông trăng hiện lên như thế nào?
Hồi ức Trung thu trong Nhàn là gì?
Lúc còn nhỏ, mình háo hức mong chờ mỗi dịp Trung thu lắm. Giờ kể lại ký ức năm nào, mình vẫn còn thấy bồi hồi. Khi ấy nhà mình ở trong một hẻm nhỏ, cứ mỗi dịp Trung thu là nguyên con hẻm rủ nhau tổ chức đêm rằm cho tụi trẻ con như mình phá cỗ linh đình, rộn ràng mà náo nhiệt. Ngày đó, tụi mình còn đốt nến trong lon sữa bò để làm đèn lồng rồi cầm đi chơi Trung thu, hoặc tự làm mấy cái đèn giấy mỏng, vui lắm. Có năm tụi mình còn thi xem đèn tự chế của ai đẹp hơn, hẻm nọ so tài với hẻm kia, khu nào đạt giải thì hò reo vang cả xóm.
Tiếc là hiện tại, trước guồng quay của cuộc sống hối hả khiến mình bớt đi phần nào háo hức, cũng có thể là do mình lớn rồi chăng? (Cười). Cho đến khi có con, hai bé nhà mình rất thích chơi lồng đèn mỗi dịp Trung thu. Trường của con cũng tổ chức các buổi rước đèn, phá cỗ trông trăng… Đây cũng là cơ hội để mình nhớ lại ký ức ngày nhỏ và kể cho các con nghe về Trung thu của mình năm ấy.
Mỗi dịp tổ chức Trung thu cho các con là Nhàn lại có dịp nhớ về Trung thu của chính mình
Vậy mọi năm khi đến ngày Trung thu, Nhàn có tổ chức các hoạt động ở nhà cho bé không?
Tất nhiên là có rồi! Mình cũng mua đèn lồng và đồ mặc xinh xinh cho mấy em đi chơi. Ở chung cư hay ở trường có tổ chức phá cỗ, rước đèn lồng cho các con giúp các bé cảm nhận được không khí náo nhiệt, đông vui của ngày hội. Đến tối thì cả nhà mình quây quần cùng nhau. Điều mình yêu nhất là mình có cơ hội kể cho các con nghe về Trung thu của mình, ông bà cũng có dịp kể về ngày Tết năm xưa cho con cháu. Vừa nghe kể chuyện, các bé nhà mình cũng thích khám phá các vị bánh Trung thu mới. Như Hehe nhà mình thích ăn vị matcha, trứng muối với bánh lava trứng chảy.
Có những giá trị truyền thống luôn cần phải gìn giữ
Một số nước châu Á khác coi Tết Trung thu như một ngày lễ sum họp gia đình nói chung, còn tại Việt Nam, Trung thu còn được coi là ngày Tết dành cho thiếu nhi. Nhàn có bao giờ nghĩ sâu xa hơn về chuyện tại sao lại có một cái ngày lễ riêng như vậy dành cho thiếu nhi không?
Hồi nhỏ mình cũng ít thắc mắc với ba mẹ tại sao lại có ngày tết Trung thu. Với mình, mỗi dịp đêm rằm tháng Tám sắp tới, cái háo hức mong chờ rồi tự tay làm đồ chơi cùng các bạn bè trong xóm đã khiến mình vui cả tháng trời rồi. Sau này tự mình tìm hiểu thì mình càng thấm thía hơn ý nghĩa của ngày Tết đoàn viên này, khi đây là dịp cả gia đình sum vầy cùng nhau, sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống dưới tiết thu mát mẻ, ngắm trăng tròn, phá cỗ. Trẻ em được vui chơi thỏa thích, rong ruổi theo các đoàn lân sư, xem ông địa lắc lư cái quạt.
Nếp sống hiện đại dường như cuốn người lớn theo guồng quay cơm-áo-gạo tiền, trẻ nhỏ thì bận bịu học hành nên mình thấy một ngày lễ quan trọng như Trung thu tại Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Nhà mình cũng không ngoại lệ, khi chồng mình có khá ít thời gian ở bên cạnh gia đình.
Mình luôn cảm thấy may mắn khi có một công việc thoải mái về mặt thời gian, có thể dành trọn tâm tư cho gia đình và hai con nhỏ. Nên những dịp như Trung thu cũng là lúc mình có cơ hội đưa các con đến gần hơn với tuổi thơ của ba mẹ, ông bà.
Những giây phút bên nhau của cả gia đình mỗi dịp lễ hội như Trung thu là cơ hội để mỗi người gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống
Nếu có một ngày nghỉ, thì bản thân mình sẽ có dịp ở nhà với gia đình. Nhàn nghĩ sao về đề xuất thêm Trung thu là một ngày nghỉ lễ chính thức, giống như ở Hàn Quốc?
Theo mình biết, tết Trung thu bên Hàn Quốc là ngày lễ lớn để mọi người hướng về tổ tiên, biết ơn về nguồn gốc của mình. Còn ở Việt Nam mình, ngày lễ này trẻ em chỉ có một buổi tối ngắn ngủi để rước đèn, ăn bánh Trung thu, nên mình thấy nó cũng chưa đúng với tinh thần Trung thu cho lắm. Đối với mình, rất nên có những ngày nghỉ quây quần bên gia đình. Vì với mình, gia đình là nguồn cội, là điểm tựa vững chắc cho mỗi người.
Dù hiện đại tới đâu thì gia đình và những giá trị văn hóa truyền thống vẫn là cốt lõi, nền tảng để mỗi con người chúng ta phát triển
Nhiều gia đình hiện nay có xu hướng muốn quay về những giá trị truyền thống, từ những chi tiết nhỏ nhất như cách làm cái lồng đèn, hay chơi rước đèn… Gia đình Nhàn có theo xu hướng này không?
Mình quan niệm truyền thống là cái gốc, cái hồn để cho mình lớn lên thành người, rồi mới có thể tạo nên giá trị cho xã hội. Xã hội có nhiều đổi thay và du nhập những điều mới mẻ. Mình muốn con mình phải có cái gốc trước, từ những thứ nhỏ nhất như phải biết lễ phép, biết được đâu là lễ hội truyền thống và quan trọng của văn hóa, đất nước mình. Lớn lên, khi tiếp xúc với nhiều thứ hơn, con cũng phải biết chắt lọc thông tin, biết giữ lại những cái đẹp của riêng mình. Đó là “mindset” mà không phải ai cũng làm được, cũng là cốt lõi căn bản mà mình sẽ dạy cho Hehe.
Cảm ơn Lâm Thúy Nhàn về những chia sẻ rất thú vị! Chúc gia đình Nhàn một mùa Trung thu đầy ắp kỷ niệm đẹp và đáng nhớ!
Nguồn: thanhnien.vn