Friday, August 30, 2024

Nam Định: Các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực

Giải quyết việc làm, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng, luôn được tỉnh Nam Định quan tâm.

Chính vì vậy, thời gian qua, địa phương này đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để “đặt hàng” đào tạo, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp.

Nhiều giải pháp

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nam Định: Công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc cung cấp lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng lên hằng năm; đã thu hút được nhiều cơ sở ngoài công lập tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Toàn tỉnh có trên 1 triệu lao động trong độ tuổi đang làm việc trong các ngành kinh tế, dần thích ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động.

Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, nâng cao chất lượng lao động. Cơ sở có tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định khá phong phú, với 38 cơ sở, gồm 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 11 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội với tổng quy mô đào tạo khoảng 2.000 lao động/năm.

Nam Định: Các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực

Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định đã tư vấn việc làm và học nghề, giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.000 lượt người (Ảnh minh họa)

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nhân lực theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng tổ chức ngay tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thông qua nhiều hình thức, nội dung.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc trong doanh nghiệp và thích ứng được với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số…

Hiện nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%. Nhiều ngành nghề học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã nhận vào làm việc như ngành hàn, may mặc…Nam Định có nhiều mô hình hay trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông – nhà trường – nhà sử dụng lao động) trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Cùng với đó, Nam Định cũng thực hiện tốt Đề án phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với học sinh. Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều bố trí phòng tư vấn hướng nghiệp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học đại học đạt trên 60%. Tỷ lệ học sinh học trường nghề tăng hằng năm từ 10 – 15% (từ 30.200 người ở 3 cấp trình độ vào năm 2012 lên 35.000 người năm 2022). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5%.

Đại diện Công ty TNHH Cao Cường cho biết: Doanh nghiệp đã phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề cho lao động theo hướng “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, học xong có thể làm việc được ngay.

Tăng cường tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm

Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Nam Định cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng ghi nhận, ước 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 15.950 lượt người lao động.

Những năm gần đây, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề. Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hiệp hội phát triển nhân lực Kirishima Foothills (Nhật Bản) thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản, đào tạo hệ Trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao dành cho học sinh sau Trung học cơ sở tại tỉnh Nam Định” – Mô hình trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản.

Nam Định: Các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực

Người lao động trong Công ty May Sông Hồng ( Nam Định)

Tại đây, học sinh ngoài việc được học văn hóa, cấp bằng trung học phổ thông, các em còn được dạy kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình trồng trọt tiêu chuẩn của Nhật Bản

Ngoài ra, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định và Hiệp hội năng lượng không biên giới của Pháp (EFS), triển khai Chương trình liên kết đào tạo miễn phí nghề điện dân dụng dưới 3 tháng cho thanh niên, học sinh, người lao động với bình quân 30 chỉ tiêu/năm.

Theo báo cáo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định: Từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm đã tư vấn việc làm và học nghề, giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.000 lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 1.800 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 77,8%.

Trong đó, Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn hơn 410 lao động có nhu cầu đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc; trong đó có trên 300 lao động nộp hồ sơ; tổ chức kiểm tra thể lực cho 217 lao động nộp hồ sơ tham dự đi lao động thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc.

Ông Lại Hà Nam – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định cho biết, từ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhu cầu sử dụng lao động trong tỉnh thời gian tới sẽ rất lớn. Để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động với doanh nghiệp tuyển dụng và đăng các thông tin liên quan đến tuyển dụng, việc làm trên trang thông tin điện tử của trung tâm và các kênh mạng xã hội để người lao động có nhu cầu nắm được, nắm bắt cơ hội tìm việc.

Ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã quan tâm thu hút những nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, thân thiện môi trường. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 40 dự án (bao gồm 21 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI). Đây vừa là cơ hội song cũng đặt ra thách thức về khả năng đáp ứng nhu cầu, yêu cầu về lao động tay nghề cao của nhà tuyển dụng trong tình hình mới.

Mới đây, Công ty TNHH TOP TEXTILES đã khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vào vận hành với tổng số 1.800 lao động là một trong những dấu mốc chuyển dịch ban đầu trong lộ trình ngày càng giải quyết nhiều việc làm cho người lao động của tỉnh Nam Định.

Trong thời gian tới, trên toàn tỉnh còn nhiều dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang được tích cực thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng để có thể sớm đi vào vận hành sản xuất chính thức, góp phần tăng nhanh số lao động sẽ được giải quyết việc làm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi