VTV.vn – Phơi nhiễm HIV là việc niêm mạc hoặc da của người chưa nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với máu, mô, dịch cơ thể của người khác, từ đó làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên.
Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đến hết tháng 7 năm 2024, toàn tỉnh có 2.154 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.197 bệnh nhân AIDS, 510 trường hợp tử vong vì AIDS. Các trường hợp mới nhiễm HIV có xu hướng tăng lên trong giới trẻ, đặc biệt là trong nhóm những người có hành vi quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) với người nhiễm HIV. Đối với tất cả mọi người khi có hành vi nguy cơ phơi nhiễm với HIV, nếu được tư vấn và điều trị phơi nhiễm kịp thời thì nguy cơ lây nhiễm HIV sẽ giảm đi đáng kể.
BSCKI. Huỳnh Thị Hồng Sinh – Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo: Đối với những người nhiễm HIV đã được điều trị ARV, cần tuân thủ điều trị để tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình và người khác. Còn đối với những người có hành vi nguy cơ phơi nhiễm HIV cũng cần được tư vấn, điều trị phơi nhiễm ngay. Chính vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân, đặc biệt những người có nguy cơ cao nhanh chóng tiếp cận với cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV là việc hết sức cần thiết.
Điều trị phơi nhiễm có 2 dạng, đó là điều trị trước phơi nhiễm và điều trị sau phơi nhiễm. Điều trị trước phơi nhiễm PrEP (Pre Exposure Prophylaxis), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP thường điều trị cho những người biết chắc chắn mình sẽ đến gặp nguồn lây nhiễm, ví dụ như những trường hợp quan hệ đồng tính nam, nữ bán dâm, hoặc việc vợ chồng của người nhiễm chưa được điều trị ARV đủ 6 tháng nhưng muốn sinh con. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của virus HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm sử dụng kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng virus là với liều dùng mỗi ngày một viên, sử dụng hàng ngày cho những nhóm người có nguy cơ cao. Hoặc uống theo tình huống (ED-PrEP), điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống được chỉ định cho nam quan hệ tình dục đồng giới có chỉ định dùng PrEP và có tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần và cần đảm bảo được việc dùng thuốc ARV trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục.
Đối với điều trị sau phơi nhiễm (PEP), là dự phòng sau phơi nhiễm HIV là việc ngăn ngừa nhiễm HIV trong vòng 72 giờ ngay sau khi có nguy cơ phơi nhiễm (tức là có nguy cơ nhiễm HIV sau khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người có HIV). Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm phải uống đủ số liều trong vòng 28 ngày đối với những hành vi phơi nhiễm HIV khi quan hệ tình dục (ví dụ bao cao su bị rách), dùng chung kim tiêm, bị xâm hại tình dục. Khi đang được điều trị cần phải biết rằng PEP có hiệu quả, nhưng không phải tuyệt đối, vì vậy nên tiếp tục sử dụng bao cao su với bạn tình và có các biện pháp an toàn trong khi đang điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, nhằm giúp cơ thể bảo vệ bạn khỏi bị phơi nhiễm HIV một lần nữa và giảm cơ hội lây truyền HIV cho người khác nếu bạn bị nhiễm bệnh trong khi bạn vẫn đang dùng PEP.
Đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh Đắk Lắk có 3 địa chỉ điều trị ARV mà người dân cần tiếp cận khi bị phơi nhiễm HIV là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột và Khoa Phòng chống HIV/AIDS -Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang hỗ trợ các đơn vị y tế tuyến huyện hoàn thành thủ tục để thực hiện điều trị ARV cho bệnh nhân tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị dự phòng lây truyền HIV trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!