Mức lương luôn là khía cạnh được quan tâm hàng đầu của người lao động, nhất là người trẻ mới ra trường.
Thậm chí có nhiều “hội những người lương dưới 5 triệu đồng/tháng” có hàng ngàn thành viên. Khi tình cờ xem thảo luận trên một diễn đàn, chúng tôi thấy có chủ đề về lương các ngành nghề và nhiều bạn trẻ ví von công việc mới hiện nay không bằng thu nhập làm rẫy, làm nông của ba mẹ mình dưới quê.
Sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế
Anh V.L (22 tuổi, là sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học ngành truyền thông – marketing ở TP.HCM). Anh L. kỳ vọng sau khi ra trường, mức lương khởi điểm khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời gian gần đây anh chỉ tìm được các công việc trả lương theo sản phẩm. Trong khi đó, người bạn làm nông, nuôi lợn ở quê anh L. có thu nhập đến 30 triệu đồng/vụ.
“Chúng tôi thường hỏi thăm nhau về mức lương hiện tại. Sau khi bạn tôi chia sẻ về con số thu nhập, tôi cảm thấy khá stress. Tôi thường so sánh bản thân với người khác, cảm thấy lo lắng, chênh vênh và sợ không chạy theo kịp các bạn. Điều đó khiến tôi xao nhãng trong công việc, dẫn tới chất lượng sản phẩm không tốt”, anh L. chia sẻ.
Sự chênh lệch này đã khiến anh L. đặt câu hỏi về giá trị của tấm bằng đại học và tương lai nghề nghiệp của mình. Nhiều khi, anh muốn bỏ việc văn phòng để trở về làm nông và các công việc tự do. Tuy nhiên, anh nhận ra rằng thị trường lao động đang ngày càng cạnh tranh hơn, các công ty ngày càng tối ưu hóa nhân sự, do đó, nguyên do chính vẫn xuất phát từ bản thân mình để thay đổi và thích ứng với thị trường.
“Thật ra, như bạn tôi làm nông ở quê vẫn rất vất vả. Phải dậy sớm, thức khuya, phải tự tìm hiểu các kiến thức và từng trải qua nhiều mùa vụ trắng tay. Muốn kiếm ra tiền không phải dễ. Như lĩnh vực của tôi, thời gian đầu rất khó khăn, cần mối quan hệ, cần kinh nghiệm… Do đó tôi hiểu mình cần phải có lộ trình, đi từng bước, tập chấp nhận khó khăn 1 – 2 năm đầu, thậm chí là 3 năm. Cứ làm việc hết mình, đúc kết kinh nghiệm thực tế, nâng cao kiến thức chúng ta sẽ có bước tiến trong tương lai và mức lương mong muốn”, anh L. nói.
Chị May Linh (25 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ rằng trước đây khi mới ra trường, chị và nhiều sinh viên đồng trang lứa với tấm bằng đại học giỏi đều nghĩ mình sẽ hòa nhập ngay công việc và kiếm được lương chục triệu mỗi tháng.
“Nhưng không phải vậy. Đừng nói bằng đại học, ngay cả những người có trong tay bằng thạc sĩ hoặc nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ khác cũng có thể nhận mức lương khởi điểm thấp hơn nhiều so với công việc làm nông ở quê. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên đặt cả hai lên bàn cân so sánh vì tính chất, yêu cầu của hai công việc này là hoàn toàn khác”, chị Linh nói.
Đừng so sánh, mỗi nghề đều có giá trị riêng
Là một người đã có kinh nghiệm đi làm nhiều năm, hiện đang là chủ của một công ty khởi nghiệp về hàng nhập khẩu Thái Lan, chị Hạnh (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng mỗi không nên so sánh giữa các loại hình công việc khác nhau. Mỗi công việc, dù là trí thức hay lao động tay chân, đều có giá trị riêng và đóng góp không thể thay thế cho xã hội.
Do đó, theo chị Hạnh, để không bị sốc khi mới đi làm, việc chuẩn bị tốt về kỹ năng thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần nhận thức rõ ràng, bằng cấp chỉ là một trong những yếu tố quan trọng. Ngoài ra, các kỹ năng thực tế, ngoại ngữ, khả năng thích nghi… cũng ảnh hưởng nhiều đến mức lương, chế độ phúc lợi”.
“Các bạn trẻ mới ra trường đừng quá nóng lòng, thay vào đó hãy tự quăng mình vào công việc để thử sức. Mới ra trường đi làm mà đòi có lương cao liền thì rất khó, trừ khi bạn là người quá xuất sắc, công ty đó muốn làm mọi cách để mời bạn về. Trên hết, chúng ta phải có đóng góp, kiến tạo giá trị cho công ty thì công ty mới có cơ sở để trả một mức lương xứng đáng”, chị Hạnh nói.
Nguồn: thanhnien.vn