Friday, November 29, 2024

Chủ quán karaoke 10 năm kêu oan tội môi giới mại dâm, nói ‘bị gài bẫy’

Chủ quán karaoke trong vụ ’10 năm kêu oan tội môi giới mại dâm’ cho rằng mình bị ‘gài bẫy’. Luật sư bào chữa thì khẳng định các chứng cứ buộc tội có nhiều điểm mâu thuẫn.

Ngày 27.8, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đào Văn Nam (53 tuổi, trú tại xã Ngọc Sơn, H.Hiệp Hòa) về tội môi giới mại dâm.

Vụ án xảy ra đã 10 năm nhưng đến nay chưa “hạ hồi phân giải”. Năm 2015, ông Nam bị tòa sơ thẩm phạt 4 năm tù nên kháng cáo, kêu oan. Tòa phúc thẩm sau đó hủy bản án vì chứng cứ buộc tội còn chưa vững chắc.

Tháng 4 vừa qua, xét xử sơ thẩm lại, TAND H.Hiệp Hòa phạt bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Dù mức án đã thấp hơn rất nhiều so với 9 năm trước, ông Nam vẫn tiếp tục kháng cáo, kêu oan.

Chủ quán karaoke 10 năm kêu oan tội môi giới mại dâm, nói 'bị gài bẫy'

Bị cáo Đào Văn Nam tại tòa

ẢNH: PHÚC BÌNH

Chủ quán karaoke nói “bị gài bẫy”

Hồ sơ vụ án cho thấy, ông Nam là chủ một quán karaoke trên địa bàn xã Ngọc Sơn. Khoảng 12 giờ ngày 9.8.2014, T.M.H (34 tuổi, trú tại Thái Nguyên) và T.T.T (37 tuổi, trú tại Hà Nội) đến xin làm nữ nhân viên phục vụ. Do không có giấy tờ tùy thân, cả hai không được nhận và rời đi.

Đến khoảng 15 giờ 40, H. và T. quay lại với 3 nam giới, thuê phòng hát tại quán karaoke của ông Nam. Khoảng 20 giờ, nhóm nam giới rời đi, chỉ còn lại H. và T., tiền hát hết 750.000 đồng.

H. đứng ra nhận trách nhiệm trả tiền hát, nhưng lại không có tiền. Vì thế, H. và T. cùng xin ở lại quán làm nhân viên phục vụ đến khi trả hết nợ, và được ông Nam đồng ý.

Theo cáo buộc, ngoài tiền lương, ông Nam còn thỏa thuận sẽ cho H. và T. bán dâm. Trước khi đi, H. sẽ thay mặt xin phép bị cáo, mỗi lần bán dâm phải “cắt phế” 100.000 đồng/lần, nếu qua đêm thì 200.000 đồng/lần.

Khoảng 22 giờ, có 2 thanh niên đến quán, đặt vấn đề mua dâm. H. nhắn tin cho ông Nam với nội dung xin “đi chơi” với khách. Sau khi đi bán dâm về, H. và T. mỗi người đưa cho ông Nam 100.000 đồng.

Đến khoảng 0 giờ 31 ngày 10.8.2014, H. và T. tiếp tục đi bán dâm cho 2 thanh niên, trong số này 1 người là khách mua dâm ở lần trước đó, và bị công an bắt quả tang. Ở lần bán dâm thứ hai, H. cũng nhắn tin cho ông Nam nhưng không nhận được trả lời.

Tại tòa hôm qua 27.8, H., T. và cả 3 khách mua dâm đều vắng mặt, giống như nhiều phiên tòa trước đó.

Bị cáo Nam một mực kêu oan, cho rằng mình bị “gài bẫy”. Bởi lẽ, chỉ trong vòng chưa đầy 4 giờ, H. và T. đặt vấn đề ở lại quán làm trả nợ, thỏa thuận với bị cáo về việc bán dâm, ngay sau đó có khách, rồi trong vòng 2 giờ bán dâm tới 2 lần, cùng một nhóm khách… Đây là những diễn biến rất không phù hợp với thực tế.

Về các tin nhắn mà H. trao đổi, bị cáo cho rằng H. tôn trọng mình nên trước khi đi chơi có nhắn tin xin phép, chứ không phải là xin phép đi bán dâm. Nội dung các tin nhắn có chủ đích “gài bẫy” bị cáo.

Chưa kể, bị cáo khai đã tìm gặp nhóm bạn đến hát cùng H. để hỏi “vì sao đi hát lại về trước để con gái trả tiền”, thì họ trả lời “H. nó rủ, nó phải trả”. Bị cáo đặt nghi vấn rằng H. không có tiền nhưng lại rủ bạn đến hát, vậy có phải cố tình sắp đặt để ở lại quán làm việc.

Được hỏi “ai muốn gài bẫy bị cáo, với ý đồ gì”, bị cáo cho hay trước đó một tuần, một người địa phương rủ nhóm bạn đến quán karaoke của gia đình ông hát song không trả tiền, dẫn đến mâu thuẫn. Một tuần sau, trong lúc ông bị tạm giam, con trai lớn cũng bị một nhóm côn đồ đến nhà hành hung, dẫn đến tử vong. Bị cáo cho rằng các sự việc này có liên quan đến nhau.

Chủ quán karaoke 10 năm kêu oan tội môi giới mại dâm, nói 'bị gài bẫy'

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nam

ẢNH: PHÚC BÌNH

“Bí ẩn” về 3 vị khách mua dâm

Một trong những căn cứ để buộc tội bị cáo Nam là lời khai của cô gái bán dâm tên H. Tại phiên phúc thẩm năm 2015, cô này thay đổi lời khai, nói bị ép cung. H. thừa nhận có nợ bị cáo tiền hát, có nhắn tin xin bị cáo ra ngoài để lấy tiền về trả nợ (chứ không phải xin đi bán dâm – PV). Số tiền 100.000 đồng đưa cho bị cáo là để trả tiền hát.

Tuy nhiên, sau khi vụ án bị trả hồ sơ và điều tra lại, H. lại thay đổi lời khai, thừa nhận có thỏa thuận với bị cáo về việc đi bán dâm. Số tiền 100.000 đồng đưa cho bị cáo là tiền bán dâm (chứ không phải tiền trả nợ hát như phiên tòa trước đó – PV).

Tại phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát cho rằng dù bị cáo Nam không nhận tội nhưng “xét thấy hành vi đã rõ”, cùng với biên bản lời khai, các chứng cứ có trong hồ sơ, việc đối chất, hỏi cung… đã đủ căn cứ để xác định bị cáo phạm tội môi giới mại dâm.

Cơ quan công tố cho hay, sau khi bị đưa về trụ sở làm việc, 3 khách mua dâm lợi dụng sơ hở của cán bộ trông coi nên đã bỏ trốn, không có căn cứ để truy tìm, xác minh tên tuổi, địa chỉ. Tuy vậy, biên bản bắt tội phạm quả tang đã thể hiện những người này có hành vi mua bán dâm với H. và T.

Từ những căn cứ trên, đại diện viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của bị cáo.

Tham gia đối đáp, luật sư Vũ Thị Nga và Phan Minh Thanh, 2 người bào chữa cho bị cáo Nam, cho rằng quá trình điều tra có nhiều vi phạm tố tụng. Việc buộc tội đối với thân chủ không có căn cứ. Đặc biệt là với 3 khách mua dâm, đến nay không xác định được nhân thân.

Theo luật sư Thanh, ngoài các lời khai mâu thuẫn, việc những người này khai man tên tuổi, địa chỉ cũng cần đặc biệt lưu ý. “Người mà đến nhân thân còn khai gian, thì có gì đảm bảo các thông tin khác họ khai là đáng tin cậy? Viện kiểm sát dựa vào lời khai của những người, trên lý thuyết là không hề tồn tại, để buộc tội bị cáo, liệu có đủ điều kiện để được coi là chứng cứ buộc tội hợp pháp không?”, luật sư nêu.

Luật sư nhấn mạnh 3 nội dung. Một là, H. và T. từng khẳng định không thỏa thuận ăn chia tiền bán dâm với bị cáo. Hai là, bị cáo chưa từng gặp, đến nay vẫn không biết 3 người mua dâm là ai. Ba là, 3 khách mua dâm có lời khai mâu thuẫn nhưng cơ quan điều tra không xác minh được họ là ai.

Vị luật sư đặt vấn đề, sau nhiều lần trả hồ sơ, điều tra lại, cơ quan tố tụng không xét đến các yếu tố này, “chỉ để lại những điều bất lợi cho bị cáo, liệu có khách quan không?”.

Trong khi đó, luật sư Nga dẫn lại nhận định của cơ quan điều tra về việc trong số tiền thu từ túi bị cáo Nam có 2 tờ mệnh giá 100.000 đồng, số serie liền với một số tờ tiền thu được của khách mua dâm tại nhà nghỉ. Đây là cơ sở xác định 2 tờ 100.000 đồng là tiền của H. và T. đi bán dâm, “cắt phế” cho bị cáo.

Theo luật sư, chứng cứ này có “dấu hiệu dàn dựng”. Bởi lẽ, bị cáo bị bắt lúc 1 giờ sáng ngày 10.8.2014, số tiền bị thu giữ cùng thời điểm, nhưng phải đến 8 giờ sáng thì công an mới lập biên bản.

“Trong 7 giờ đó, ai quản lý tang vật, ai dám chắc không có việc tráo đổi, cài cắm các tờ tiền liền serie để cố tình buộc tội bị cáo?”, luật sư nói.

Nữ luật sư cũng cho rằng, trong suốt 10 năm giải quyết vụ án, nhiều nội dung từng được yêu cầu điều tra bổ sung, gồm: biên bản bắt quả tang mua bán dâm có thể hiện được việc bị cáo Nam môi giới mại dâm cho H. và T. không; làm rõ hành vi “trung gian, dụ dỗ, dẫn dắt” bán dâm của bị cáo Nam; căn cứ xác định 2 tờ tiền là H. và T. đưa cho bị cáo là tiền có được từ việc bán dâm; giải trình việc niêm phong, thu giữ vật chứng vụ án… Thế nhưng, những vấn đề này chưa lần nào được điều tra “đến nơi đến chốn”.

Tranh luận với luật sư, đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm, khẳng định bản kết luận điều tra bổ sung đã làm rõ các nội dung trên. Ngược lại, luật sư Nga nhận định với vụ án phức tạp và nhiều khúc mắc song việc giải trình từng đó nội dung chỉ trong chưa đến 2 mặt giấy là điều chưa hợp lý.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img