Rối loạn lo âu và trầm cảm là hai bệnh tâm thần phổ biến nhưng có nhiều khác biệt.
Rối loạn lo âu và trầm cảm có một số biểu hiện giống nhau như ngại tiếp xúc xã hội, không muốn kết nối với người khác vì sợ bị đánh giá tiêu cực hoặc cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, hai bệnh có nhiều khác biệt về định nghĩa, triệu chứng, biểu hiện thể chất, hành vi xã hội và phương pháp điều trị. Hiểu được điều này có thể giúp chúng ta phân biệt giữa hai căn bệnh, từ đó điều trị đúng mục tiêu.
Rối loạn lo âu là một rối loạn tâm lý phổ biến được đặc trưng bởi sự lo lắng và sợ hãi quá mức về các tình huống hàng ngày. Loại lo lắng này thường không phù hợp với thực tế và khó kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Những người mắc chứng rối loạn lo âu thường ở trạng thái căng thẳng và bồn chồn cao độ, đồng thời có thể cảm thấy lo lắng và sợ hãi quá mức về nhiều thứ hoặc tình huống khác nhau. Họ thường khó thư giãn và luôn cảm thấy bất an, lo sợ về tương lai.
Trầm cảm biểu hiện như tâm trạng chán nản, mất hứng thú… và thường đi kèm với những cảm xúc tiêu cực như tự trách móc, vô dụng, mất hy vọng. Người trầm cảm thường có tâm trạng chán nản kéo dài và khó có được niềm vui và sự hài lòng từ các hoạt động hàng ngày.
Biểu hiện thể chất của bệnh nhân rối loạn lo âu là các triệu chứng như khó thở, nhịp tim tăng, đổ mồ hôi và run tay. Những triệu chứng này có liên quan chặt chẽ đến hệ thần kinh của bệnh nhân và thường gây ra cảm giác khó chịu và đau đớn về thể chất.
Bệnh nhân trầm cảm thì mệt mỏi về thể chất, chán ăn, rối loạn giấc ngủ… Lo lắng không nhất thiết là trầm cảm, nhưng bệnh nhân lo âu lâu dài có thể bị trầm cảm.
Có một số loại thuốc điều trị cải thiện cảm xúc, điều chỉnh sự cân bằng trong các chất dẫn truyền thần kinh não. Ngoài ra, phương pháp điều trị như trị liệu tư vấn tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng ở bệnh nhân trầm cảm.
Nguồn: vtv.vn