Sunday, November 24, 2024

Bùng nổ xe điện và xu hướng dịch chuyển việc làm

Xe ô tô điện, xe máy điện phát triển với tốc độ nhanh chóng, tương lai gần sẽ chiếm lĩnh, lấn át dòng xe dùng nhiên liệu hoá thạch truyền thống, bởi tính ưu việt về kinh tế, thiết kế, ngoại hình, đảm bảo hơn về môi trường.

Ngay tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024 báo cáo doanh số của xe điện Vinfast giao là 12.058 xe, tăng 24% so với quý 1 và 26% quý 2 của năm 2023. Cứ với tốc độ tăng trưởng cùng xu hướng này, lượng xe điện sẽ chiếm ưu thế trước ngành công nghiệp ô tô truyền thống, kéo theo nguy cơ mất việc làm của nhân lực làm việc trong ngành công nghiệp phụ trợ.

Bùng nổ xe điện và xu hướng dịch chuyển việc làm

Người Việt ngày càng ưa chuộng xe điện bởi chất lượng vượt trội, chi phí vận hành tiết kiệm, chính sách bảo hành – hậu mãi xuất sắc, thân thiện với môi trường.

Sử dụng ô tô bây giờ là điều phổ biến, nhưng ít người biết để cấu thành chiếc ô tô vận hành chạy trên đường là có tới 35 ngàn chi tiết, linh, phụ kiện lắp ráp thành. Trong đó có bộ dây dẫn điện cho xe ô tô (wire harness) bộ dây dẫn này giống như dây thần kinh và mạch máu trong cơ thể con người, cung cấp tín hiệu thông tin điều khiển và năng lượng để chiếc xe vận hành.

Bộ dây dẫn này chiếm tới xấp xỉ 15% giá trị của chiếc xe và do tính phức tạp của bộ dây mà phần lắp ráp thành bộ dây hoàn chỉnh phần lớn vẫn được thực hiện bởi con người thao tác, vận hành trên dây chuyền sản xuất. Những nhà máy lắp ráp bộ dây dẫn điện này sử dụng rất đông công nhân viên, do đặc thù công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo nên đa phần là phụ nữ.

Khi dây chuyền sản xuất ô tô sử dụng nhiêu liệu hoá thạch chuyển sang ô tô điện sẽ dôi dư ra rất nhiều nhân công. Bộ dây dẫn điện cho xe điện đơn giản hơn rất nhiều, không còn bộ dây cho động cơ cũng như rất nhiều chi tiết liên quan mà chủ yếu chỉ là dây cáp truyền năng lượng từ pin đến động cơ điện.

Ở Việt Nam có Tập đoàn Yazaki và Sumihanel sản xuất kinh doanh mặt hàng này với thị phần rất lớn. Chỉ riêng Tập đoàn Yazaki đã thiết lập chi nhánh ở Bình Dương, Củ Chi và Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình với hơn ba vạn lao động đang làm việc tại các nhà máy. Tập đoàn này đứng đầu thế giới về sản xuất dây dẫn điện chiếm 1/3 thị phần trên thế giới về mặt hàng này.

Nếu các đơn hàng sản xuất bộ dây dẫn điện truyền thống giảm sút thì nguy cơ thiếu hụt việc làm cho nhân công của các nhà máy sẽ hiện hữu trong tương lai.

Đi kèm đó là không ít ngành công nghiệp phụ trợ ô tô như động cơ, dầu nhờn, cơ khí chế tạo… cũng sẽ giảm việc cũng như cắt giảm nhân công.

Càng ngày càng nhiều hạng mục công việc sẽ được trí tuệ nhân tạo (AI) làm thay cũng như rô bốt tự động được AI điều khiển sẽ cạnh tranh công việc của con người.

Việc sa thải hàng loạt nhân sự như tại Stellatis – công ty chủ quản của hãng ô tô Chrysler sa thải 2.450 lao động tại nhà máy lắp ráp xe tải Warren, chiếm quá nửa số lao động của nhà máy khi chuyển đổi xe tải Ram cổ điện sang xe điện là lời cảnh báo sớm đối với lao động làm việc trong ngành công nghiệp phụ trợ. Công ty con của Tập đoàn Tata sa thải 2.500 lao động đang làm việc tại Anh quốc khi chuyển quy trình sản xuất thép xanh.

Không chỉ ở ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và công nghiệp nặng, ngay cả ở công ty công nghệ làn sóng này cũng đang diễn ra khá mạnh khi mới đây hãng máy tính nổi tiếng Dell cũng sa thải 10% lao động tương đương hơn một vạn lao động khi AI làm thay được một số hạng mục công việc của con người.

Nguy cơ bị AI cũng như xu hướng dùng xe điện cạnh tranh lấy mất việc làm là có thật, nhưng việc định hướng giáo dục đào tạo của Việt Nam vẫn chưa có chiến lược rõ ràng, hoàn toàn theo chủ quan từ gia đình hay sở thích cá nhân.

Trong khi từ lâu rồi sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… đã theo sự định hướng của quốc gia sang Mỹ, châu Âu học các ngành kỹ thuật điện tử, bán dẫn, khoa học máy tính để rồi họ có trung tâm công nghệ thông tin, xuất khẩu phần mềm với giá rất cao.

Giáo dục Việt Nam nặng tính mùa vụ, ngành nào thiếu, gây sốt là ùn ùn đăng ký theo học để rồi lại nhanh chóng bội thực khi cung vượt cầu vài năm sau.

Việt Nam mở cửa sau Trung Quốc nhưng việc đào tạo nhân lực phục vụ cho công cuộc phát triển cho đất nước không theo kịp Trung Quốc. Nhà nước chưa có chế độ khuyến khích, đầu tư lớn cho sinh viên ưu tú đi học công nghệ mới tại Mỹ, Châu Âu. Sau khi tốt nghiệp được khuyến khích trở về nước cống hiến và sử dụng tối đa kiến thức nắm bắt được.

Nhờ chiến lược dài hơi này mà Trung Quốc từ nước lạc hậu đã vươn lên thành nền kinh tế số 2 thế giới. Sở hữu nhiều tập đoàn công nghệ, quy mô, tiềm lực lớn ngang hàng có phần vượt trội cả Mỹ, châu Âu.

Không nên đợi “nước đến chân mới nhảy” Việt Nam cần có phương án dịch chuyển lao động hợp lý khi làn sóng loại bỏ lao động phổ thông do áp dụng AI và xu hướng thay đổi công nghệ. Giáo dục – Đào tạo cần có định hướng rõ ràng để bắt kịp đà tiến của khoa học công nghệ trên thế giới không để bỏ lỡ cơ hội hiện tại với dân số đang ở trong thời điểm tỉ lệ vàng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img