Đà Nẵng đón bắt thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Khai mạc Hội nghị, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại. Trong 30 năm qua, ông Chinh thông tin chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có những bước phát triển vượt bậc, dự báo mang lại doanh thu 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam trong bối cảnh tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau đại dịch Covid-19 đã và đang có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị tỷ đô này.
“Từ cuối năm 2023 đến nay thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng đón bắt thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, bước đầu đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng vi mạch bán dẫn trong nước và thế giới. Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Nvidia, Qualcom, Intel… đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố”, ông Chinh cho hay.
Cũng theo Chủ tịch Đà Nẵng, trong bối cảnh chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã được định hình, việc tham gia vào chuỗi giá trị này sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội. Đặt mục tiêu “đi đầu, đi nhanh” trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam để đón sóng đầu tư, Đà Nẵng mong chờ những đóng góp quý báu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước trong công tác quy hoạch và định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
“Từ đó thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng với cơ chế hỗ trợ và chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp, tạo cơ hội đầu tư nhanh và hiệu quả cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này”, ông Chinh nói thêm.
Thông tin về định hướng của địa phương, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng mới, đặt nền tảng đột phá phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian đến. Đặc biệt là từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn.
“Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng xác định quan điểm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; dựa trên nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển khâu thiết kế và kiểm thử, đóng gói chip. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, khai thác tối ưu thế mạnh đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp trong đó ưu tiên hợp tác với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới để có phương án tham gia phù hợp trong chuỗi giá trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn cho thị trường trong nước và quốc tế”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói. Đồng thời, thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 01- 02 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
“Trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi và xây dựng hệ sinh thái để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 03 hướng đột phá đó là chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thành phố Đà Nẵng rất mong nhận được sự đồng thuận, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, hiện đại, hiệu quả, minh bạch vì sự thịnh vượng chung và phát triển bền vững thành phố trong thời gian tới”, ông Minh thông tin.
Ông Bùi Hoàng Phương – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay Đà Nẵng có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, với việc Quốc hộ thông qua Nghị quyết 136 cũng đã tạo động lực cho địa phương.
Khuyến nghị với Đà Nẵng, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho rằng Đà Nẵng cần tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, chú trọng thu hút nhà đầu tư chiến lược nhưng cũng cần đi kèm với hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Song song là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tập trung sản xuất các sản phẩm chuyên dùng. Cùng với đó, tập trung triển khai các hoạt động liên quan đến Nghị quyết 136, có các chính sách, phương án cụ thể để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị.
Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng cũng đã có Tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trao đổi về các tiềm năng, lợi thế của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các giải pháp Đà Nẵng cần triển khai nhằm khai thác tối đa các thế mạnh sẵn có. Đồng thời, tại Hội nghị có các hoạt động trao Thỏa thuận hợp tác ba bên và Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng gồm Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng và các doanh nghiệp, trao Thoả thuận hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng và Makara Capital Partners về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng.
Tính đến năm 2023, Đà Nẵng có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin, bình quân 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 tỷ lệ trung bình cả nước). Trong lĩnh vực bán dẫn, thành phố Đà Nẵng chưa có doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn.
Trên cơ sở khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hiện có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bao gồm 07 chi nhánh doanh nghiệp FDI là Synopsys, Marvell, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse (nay là Quest Global), Sannei Hytechs. Bên cạnh đó có 03 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn Việt Nam là Fpt Semiconductor, Viettel Hi-Tech và Acronic. Hệ sinh thái doanh nghiệp CNTT và TTNT thành phố khá đa dạng, gồm các doanh nghiệp lớn như: Vietell, VNPT, FPT, MobiFone, LG (R&D), MOMO…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn