Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Theo báo cáo khảo sát của ngành chức năng cho thấy, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới và chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh có cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, đặc biệt là đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những khó khăn mà nhóm doanh nghiệp này gặp phải chủ yếu là tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm đối tác kinh doanh… Chính vì những khó khăn, vướng mắc này, năm 2023 đã có 1.613 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2024 Quảng Ninh có 1.260 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Điều đáng nói là số doanh nghiệp ngừng hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tập trung vào những ngành nghề thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ, du lịch.
Ông Phạm Văn Thể – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Doanh nghiệp ngừng hoạt động gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh chủ yếu do chi phí đầu vào gia tăng, nguồn cung vật liệu không ổn định, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, đứt gãy chuỗi liên kết, cạn kiệt nguồn vốn. Cùng với đó, nhu cầu trong các ngành kinh tế đều giảm, nhu cầu tiêu dùng của cả thế giới giảm mạnh, nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng.
Nhìn ở một góc độ khác, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ của tỉnh phát triển chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, kết nối kinh tế nông thôn – đô thị, công nghiệp – dịch vụ còn hạn chế.
Việc đổi mới dây chuyền, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, giá trị hàng hóa xuất khẩu còn thấp. Trong đó, quản trị doanh nghiệp còn kém, chưa đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, nên gặp khó khăn trong việc đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; chưa có sự tham gia liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp; chưa chủ động trong chuyển đổi số.
Theo ông Thể, với mục tiêu từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trung bình hằng năm thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% GRDP toàn tỉnh. Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nghiệp trong top 500 doanh nghiệp theo Chương trình VNR 500, các sở, ban, ngành và UBND các địa phương cần chủ động hơn nữa trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, chủ động tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trước mắt, triển khai thực hiện có hiệu quả 12 nội dung hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Kế hoạch số 152/KH-UBND (ngày 17/6/2024) của UBND tỉnh, gồm: Tiếp cận tín dụng; thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mở rộng thị trường; công nghệ; thông tin; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Đồng hành hỗ trợ
Quảng Ninh hiện có trên 11.000 doanh nghiệp có phát sinh doanh thu thuế, đang hoạt động. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024 có 1.150 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, tăng 16,1% so với cùng kỳ; 116 doanh nghiệp giải thể, tăng 21,3% cùng kỳ năm 2024. Dự báo 6 tháng cuối năm 2024 số doanh nghiệp tạm ngừng rời khỏi thị trường vẫn tăng.
Ông Phạm Hồng Biên – Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Đơn vị sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn.
Để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 41-CT/TU (ngày 27/6/2024) về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW (ngày 10/10/2023) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND (ngày 17/6/2024) về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2026.
Đặc biệt UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1919/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Theo đó Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, trong đó phấn đấu 80% kiến nghị phát sinh phải được giải quyết ngay trong quý; các vướng mắc vượt thẩm quyền được tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; phấn đấu hết năm 2024 công bố kết quả thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực phục vụ cho người dân.
Mới đây, UBND tỉnh vừa tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân với chủ đề “Đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp” (ngày 5/5/2024), trực tiếp lắng nghe các doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn vướng mắc trong triển khai các quy định do tỉnh ban hành thời gian qua.
Tỉnh Quảng Ninh đang chuẩn bị các nội dung để tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp trong tháng 8/2024, với mục đích trao đổi, giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp; chia sẻ và tiếp thu những đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cũng trong tháng 5/2024 UBND tỉnh tổ chức khai trương Trung tâm “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số”, với chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng; tiếp nhận và phát triển các sáng kiến và các thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng…
Theo ông Phạm Văn Thể – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thời gian tới hiệp hội sẽ đề xuất với UBND tỉnh đề ra các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, như: Tăng cường giải quyết TTHC cho doanh nghiệp; ban hành các văn bản bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ các văn bản, cơ chế chính sách có nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch; có những chính sách hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Hiệp hội tiếp tục phối hợp với Viettel Quảng Ninh, VNPT Quảng Ninh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Được biết, Sở KH&CN Quảng Ninh đang triển khai nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Dự kiến nghiệm thu trong tháng 11/2024, trong đó có sản phẩm là chính sách hỗ trợ về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Với những giải pháp hỗ trợ thiết thực của tỉnh, các sở, ban, ngành trong tỉnh, hy vọng rằng các doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn