TP.HCM sẽ thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở bảo trợ xã hội về điều kiện vật chất và nhân sự nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự như Mái ấm Hoa Hồng.
CHỦ MÁI ẤM HOA HỒNG ĐỐI PHÓ
Tại buổi họp báo về các vấn đề KT-XH của TP.HCM chiều 5.9, vụ việc hành hạ trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng (P.Trung Mỹ Tây, Q.12) tiếp tục được đặt ra, nhất là giải pháp chấn chỉnh.
Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND Q.12, cho biết dù chỉ được cấp giấy phép hoạt động 39 trẻ, nhưng lúc kiểm tra (ngày 4.9), cơ sở này có đến 86 trẻ, vượt 47 trẻ. Tháng 10.2023 và tháng 4.2024, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 cùng các đơn vị liên quan kiểm tra định kỳ mái ấm này 2 lần, Ủy ban MTTQ VN Q.12 giám sát hồi tháng 7.2024, nhưng không phát hiện sai phạm về số lượng trẻ vượt và hành vi bạo hành. “Điều này cho thấy chủ cơ sở có sự đối phó với cơ quan quản lý nhà nước”, bà Chính nhận định.
Phó chủ tịch UBND Q.12 nêu khó khăn khi kiểm tra thường xuyên thì phải có kế hoạch, đồng thời phải báo trước cho chủ cơ sở nên sẽ khó phát hiện. Do vậy, sắp tới, quận sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất.
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi cơ sở chỉ được cấp phép nuôi giữ 39 trẻ, nhưng thời điểm kiểm tra có đến 86 trẻ thì 47 trẻ vượt giấy phép từ đâu đến. Bà Chính cho biết, các lần kiểm tra, chủ cơ sở này đều xuất trình giấy tờ của 39 trẻ. Công an Q.12 đang tiếp tục làm việc với chủ cơ sở để làm rõ nguồn gốc 47 trẻ từ đâu và xem xét có yếu tố trục lợi hay không.
Bên cạnh đó, UBND Q.12 phối hợp Sở LĐ-TB-XH rà soát, hoàn thiện thông tin các trẻ, nếu trẻ có gia đình thì liên hệ đưa các em về để chăm sóc tốt hơn. Đối với Mái ấm Hoa Hồng, quận sẽ thu hồi giấy phép hoạt động. Về trách nhiệm trong công tác quản lý, bà Chính cho hay đã giao Phòng Nội vụ tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại mái ấm này. Địa phương sẽ tổng kiểm tra cơ sở BTXH trên địa bàn để chấn chỉnh, phòng ngừa những vụ việc tương tự.
KIỂM TRA KỸ ĐỂ KHÔNG XẢY RA SỰ VIỆC ĐÁNG TIẾC
Về giải pháp chấn chỉnh chung, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và kiểm tra chéo các cơ sở BTXH trên địa bàn. Liên quan đến việc tiếp nhận từ thiện, ông Minh cho hay, các cơ sở ngoài công lập có những nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân từ thiện, nguồn do cơ sở huy động… Đáng lo ngại, Sở LĐ-TB-XH tiếp nhận thông tin một số cơ sở không nhận quà mà chỉ nhận tiền. “Nếu phát hiện, chúng tôi chấn chỉnh liền vì các cháu cũng cần quà, sữa, thức ăn, tập vở, đồ dùng cá nhân. Việc từ thiện là xuất phát từ tấm lòng, của cho không bằng cách cho, không phải là chỉ nhận tiền không nhận quà”, ông Minh nói thêm.
Đối với 16 cơ sở BTXH công lập, Sở LĐ-TB-XH sẽ kiểm tra chấn chỉnh, khắc phục kịp thời nếu có; còn những vấn đề liên quan đến địa phương thì sẽ tăng cường kiểm tra để không có những trường hợp đáng tiếc này. “Đối với những thông tin trên mạng xã hội về việc chủ Mái ấm Hoa Hồng cãi nhau tay đôi với cộng đồng mạng, chúng tôi tiếc là chưa được cung cấp thông tin đầy đủ”, ông Minh cho hay.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH thông tin thêm, định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý họp giao ban với các cơ sở BTXH ngoài công lập để giải quyết những vấn đề cơ sở đề xuất, kiến nghị. Gần đây nhất, Sở LĐ-TB-XH phối hợp Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, Công an TP.HCM, Sở Tư pháp, địa phương và các cơ sở BTXH cấp giấy khai sinh, mã số định danh, thẻ căn cước cho các cháu. “Điều đáng mừng là công việc có tiến triển tốt đẹp. Trong dịp Trung thu sắp tới sẽ mời 100 cháu đến dự để chúc mừng được định hình nhân thân của mình khi có giấy tờ trên tay”, ông Minh nói.
SỨC KHỎE TRẺ ỔN ĐỊNH
Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh đến thăm các trẻ bị bạo hành từ Mái ấm Hoa Hồng tại 3 cơ sở BTXH trực thuộc sở. Trong tổng số 85 em được nuôi dưỡng tại Mái ấm Hoa Hồng (đã trừ 1 trẻ là con của nhân viên mái ấm), Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình tiếp nhận 32 trẻ, Làng thiếu niên Thủ Đức tiếp nhận 37 trẻ, Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp tiếp nhận 15 trẻ. Còn lại 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, cho biết do thay đổi môi trường, tâm lý các cháu cũng bị ảnh hưởng, hôm đầu (ngày 4.9) các cháu hơi khó ngủ. Đến nay các cháu đã sinh hoạt ổn định. Qua thăm khám, sức khỏe các cháu đều ổn định. “Chúng tôi đã cách ly tập trung các bé trong 21 ngày để phòng chống dịch sởi, sau đó các cháu sẽ được chuyển về các phòng khác để chăm sóc theo lứa tuổi. Hiện ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là ổn định tâm lý cho các cháu”, ông Tuyến chia sẻ.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho hay, sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Thanh Niên về tình trạng bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, đơn vị đã cử đoàn công tác phối hợp chính quyền địa phương để chuyển các bé về các cơ sở bảo trợ công lập. TP.HCM luôn có nguồn ngân sách dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh trong công tác BTXH.
Theo ông Lê Văn Thinh, vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng là điều không ai mong muốn. “Đơn vị sẽ tăng cường công tác phối hợp địa phương kiểm tra để quản lý, giám sát các cơ sở BTXH đã cấp phép cũng như ngăn chặn trường hợp không phép mà hoạt động không đúng quy định”, ông Thinh nói thêm. Sở LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương khi cấp phép cần đối chiếu quy định và kiểm tra cơ sở vật chất, đội ngũ bảo mẫu, nhân sự.
Tạm giữ bảo mẫu vì tội hành hạ người khác
Ngày 5.9, Cơ quan CSĐT Công an Q.12 ra quyết định tạm giữ Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (46 tuổi, quê Đồng Nai, bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để phục vụ công tác điều tra. Qua làm việc, Cẩm thừa nhận hành vi bạo hành trẻ em trong quá trình chăm sóc trẻ tại mái ấm, nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy phá. Công an Q.12 phối hợp Viện KSND Q.12 tiến hành thực nghiệm hiện trường. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, cơ quan chức năng xác định hành vi của Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội hành hạ người khác.
Theo công an, sáng 4.9, Công an Q.12 tiếp nhận tin báo của PV Báo Thanh Niên về sự việc hành hạ người khác xảy ra ở Mái ấm Hoa Hồng. Ngay sau đó, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Công an Q.12, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị, ban, ngành liên quan khẩn trương xác minh, điều tra xử lý; tham mưu đề xuất đảm bảo an toàn cho các trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây. Công an Q.12 đã mời chủ cơ sở và tất cả nhân viên đang làm việc tại cơ sở về trụ sở cơ quan công an để làm việc, đồng thời thu giữ một số tài liệu, vật chứng có liên quan.
Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu Cơ quan CSĐT Công an Q.12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 2 trường hợp có mặt tại cơ sở gồm Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và T.M.N (71 tuổi, quê Cà Mau). 3 trường hợp không có mặt gồm: N.T.Q (41 tuổi, quê Tiền Giang), Đ.T.K.L (46 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) và D.N.Tuyền (47 tuổi, quê Sóc Trăng). Hiện Công an Q.12 khẩn trương củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng.
Trần Duy Khánh – Ngọc Lê – Uyển Nhi
Nguồn: thanhnien.vn