Monday, September 9, 2024

Vì sao nhiều tác phẩm ‘vang bóng một thời’ đã… ‘vắng bóng’ trong SGK chương trình mới?

Nhiều người học văn trước đây tỏ ra tiếc nuối vì các tác phẩm đã rất quen thuộc, từng được học mà nay không thấy đưa vào giảng dạy trong SGK chương trình mới 2018. Thực tế này có gây thiệt thòi cho người học và cần hiểu thế nào cho đúng?

Nhiều kiệt tác từng “vang bóng” nay đã… “vắng bóng”

Trên mạng xã hội Facebook mới đây lan truyền một câu chuyện được nhiều người quan tâm bình luận. Đó là lời “than thở” của các nhân vật như Lão Hạc, Chí Phèo, Bá Kiến, nhà văn Hoàng (trong các truyện ngắn của Nam Cao); chị Dậu, Nghị Quế (trong tiểu thuyết của Ngô Tất Tố)… vì không được “xuất hiện” trong một số bộ sách giáo khoa (SGK) của chương trình mới.

Điều khiến những người học văn theo chương trình cũ trước đây quan tâm vì các tác phẩm mà họ học (từ văn học dân gian đến hiện thực phê phán, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ…) đã quá quen thuộc trong tâm thức. Tên những nhân vật trong các tác phẩm, thậm chí những câu nói của nhân vật cũng trở nên thành bất tử, điển hình.

Vì sao nhiều tác phẩm 'vang bóng một thời' đã... 'vắng bóng' trong SGK chương trình mới?

Ngoài 6 tác phẩm bắt buộc, các bộ sách giáo khoa mới môn ngữ văn được lựa chọn tác phẩm theo tiêu chí trong gợi ý của chương trình tổng thể môn ngữ văn nên mỗi bộ có các tác phẩm khác nhau

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nếu làm phép thống kê việc lựa chọn tác phẩm đưa vào SGK của 3 bộ sách (Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống) ở bậc THPT sẽ thấy sự khác biệt. Chẳng hạn, với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao thì bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đưa vào SGK lớp 11. Trong khi đó nếu học sinh học bộ Chân trời sáng tạo (gồm cả 3 lớp 10, 11, 12) sẽ không được tiếp xúc văn bản này. Hay tác phẩm tiêu biểu cho nhận định của Vũ Ngọc Phan “gần đạt đến sự toàn thiện, toàn mỹ” về tập truyện ngắn Vang bóng một thờiChữ người tử tù (Nguyễn Tuân) cũng trong tình trạng bộ sách này chọn, bộ sách kia không chọn. Với Lão Hạc (Nam Cao) – truyện ngắn cảm động về người cha – thì bộ Chân trời sáng tạo đưa lên lớp 12, các bộ sách còn lại thì không chọn.

Văn học kháng chiến (chống Pháp và Mỹ) giai đoạn từ 1945 đến 1975 với hàng loạt các tác phẩm gắn liền với lịch sử, chính trị, xã hội… như Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi… cũng đã “vắng bóng” dần trong các bộ sách.

Đặc trưng chương trình mới, tác phẩm văn học chỉ là ngữ liệu

Cần phải hiểu thực tế trên với nhiều lý do. Thứ nhất, điều này phù hợp với quan điểm và đặc trưng của chương trình giáo dục mới. Đó là, ngoài 6 tác phẩm bắt buộc (gồm Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu và Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh), các bộ sách được lựa chọn tác phẩm theo tiêu chí (tự chọn bắt buộc, hoặc tự chọn) trong gợi ý của chương trình tổng thể môn ngữ văn.

Vả lại, quan điểm của chương trình mới là không chú trọng đến việc dạy học hiểu (nội dung, nghệ thuật) của từng tác phẩm mà là dạy kỹ năng (gồm đọc, viết, nói và nghe) của tác phẩm theo nhóm thể loại. Các tác phẩm được xem như là ngữ liệu cho việc dạy học. Học tác phẩm nào là để có “chìa khóa” kỹ năng mở ra “cánh cửa” giúp lĩnh hội các tác phẩm đồng dạng khác. Cho nên việc chọn văn bản nào để dạy học chưa phải là vấn đề quá quan trọng.

Thứ hai, việc đa dạng trong lựa chọn tác phẩm cũng giúp cho các bộ sách phong phú và sinh động hơn. Người dạy học được quyền chọn lựa tác phẩm của các bộ sách giúp cho việc dạy học văn sẽ hứng thú hơn, tính mở của chương trình sẽ nhiều hơn.

Vì sao nhiều tác phẩm 'vang bóng một thời' đã... 'vắng bóng' trong SGK chương trình mới?

Quan điểm dạy môn ngữ văn của chương trình mới là không chú trọng đến việc dạy học hiểu (nội dung, nghệ thuật) của từng tác phẩm mà là kỹ năng (gồm đọc, viết, nói và nghe) của tác phẩm theo nhóm thể loại

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trung, giáo viên dạy văn Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, nêu quan điểm: “Không nhất thiết học sinh phải được học những tác phẩm được coi là kinh điển bấy lâu nay. Chỉ cần giáo viên giới thiệu, và nhiệm vụ học sinh là phải tự tìm đọc, tự khám phá”. Nhiều giáo viên THPT cũng cho rằng nếu văn học gánh vác thêm nhiệm vụ của lịch sử, chính trị thì người học sẽ cảm thấy rất nặng nề. Đó cũng là lý do chính đáng để chương trình giảm tải những tác phẩm bấy lâu nay có thiên hướng này.

Thứ ba, với đặc trưng chương trình mới của môn văn là tăng tính ứng dụng thực tiễn; lựa chọn những văn bản hiện đại, gần gũi với tâm lý lứa tuổi nên việc giới hạn lựa những tác phẩm quen thuộc bấy lâu nay là hợp lý. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam (đồng tác giả bộ sách Chân trời sáng tạo) trong lần tập huấn SGK ngữ văn 12 mới đây cho rằng: “Quan điểm của chương trình mới là giảm bớt những tác phẩm văn học, đưa thêm các văn bản thông tin, văn bản nhật dụng. Nên không thể lựa chọn hết các tác phẩm hay vào sách được”.

Ngoài ra, chính việc đề kiểm tra đánh giá môn văn không cho văn bản đã học trong chương trình có tác dụng rất lớn đến ý thức tìm đọc văn bản ngoài SGK của giáo viên, học sinh. Và việc tìm đọc các tác phẩm kinh điển không được chọn vào sách là ưu tiên hàng đầu của thầy và trò. Cho nên, cũng không quá lo lắng rằng các tác phẩm từng “vang bóng một thời” sẽ bị chìm vào quên lãng nếu không được đưa vào SGK.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi