VTV.vn – Trước đây người bệnh máu khó đông từng bị hạn chế tập thể thao do lo sợ biến chứng khi va chạm, chấn thương.
Do bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông thiếu một số yếu tố đông máu trong cơ thể, nên khi chảy máu thì sẽ khó đông lại hơn người bình thường. Hơn 80% vị trí chảy máu là trong khớp. Chảy máu nhiều lần có thể gây tổn thương khớp, đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh máu khó đông.
Trước đây, người ta thường cho rằng tập thể dục đối với bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu do va chạm hoặc chấn thương nên việc tập thể dục bị hạn chế nghiêm ngặt. Người bệnh máu khó đông phải luôn tránh va chạm, chấn thương nhỏ nhất. Bởi khi máu chảy ra thì khó để dừng lại. Thậm chí khi họ không có chấn thương thì chảy máu tự phát cũng có thể xảy ra, dẫn đến nguy cơ tàn tật và tử vong.
Tuy nhiên, trên thực tế, đối với bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông, tập thể dục vừa phải có thể tăng cường các cơ xung quanh khớp và ổn định khớp. Từ đó có thể làm giảm tần suất chảy máu khớp. Hơn nữa, tập thể dục vừa phải cũng có thể tránh béo phì và từ đó giảm gánh nặng cho khớp.
Bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông có thể tùy theo thể trạng của mình mà lựa chọn các bài tập phù hợp. Họ không cần tập cường độ cao nhưng phải khởi động và giãn cơ trước khi tập, đồng thời sử dụng đồ bảo hộ như miếng đệm đầu gối và miếng đệm mắt cá chân tùy theo tình trạng và mức độ nghiêm trọng của khớp, Điều này giúp họ tránh tổn thương trong và sau khi tập thể dục. Người bệnh cũng đừng quên thực hiện các bài tập thư giãn. Ngoài ra, họ cần lưu ý không nên tập luyện lâu dài khi tình trạng không ổn định.
Một số bài tập gợi ý cho người bệnh máu khó đông là đi bộ, đạp xe, chạy bộ, tập Thái Cực Quyền, các bài tập aerobic nhẹ khác. Các môn thể thao đối đầu như chơi bóng rổ không được khuyến khích cho những người mắc bệnh máu khó đông. Đồng thời, người bệnh cần chú ý bảo vệ khớp xương để tránh chảy máu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!