Wednesday, November 27, 2024

Ấm áp những vòng tay

Cách đây 2 năm, nhận hung tin chồng mình bị ung thư, cô Lê Thị Huyền (công tác tại Trường THCS An Dương Vương, xã Xuân Hải, H.Ninh Hải, Ninh Thuận) gần như sụp đổ…

Hai vợ chồng cô Huyền đều là nhà giáo, nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học cùng người cha hơn 90 tuổi, mắt đã mù vì bệnh tật tuổi già. Lương hai vợ chồng gói ghém lắm chỉ vừa đủ ăn. Giờ chồng bị bệnh nặng, tiền đâu chữa trị? Bệnh ung thư chữa trị rất tốn kém, chưa chắc có đủ tiền để theo đơn bác sĩ. Nhưng còn nước còn tát. Người là quan trọng, tiền bạc có thể kiếm lại sau.

Nơi tin cậy của những mảnh đời khó khăn

Cô Lê Thị Huyền đã gồng gánh gia đình, nuôi chồng chữa bệnh. Có những lúc cô gần như gục ngã bởi vừa chăm sóc chồng, vừa đảm bảo công tác, vừa lo tiền chạy chữa… Tiền bạc cứ thế ra đi. Dù hết lòng chạy chữa, chồng cô đã qua đời, để lại vợ, hai đứa con thơ và người cha già trên 90 tuổi.

Ấm áp những vòng tay

Cô Lê Thị Huyền phối hợp Đài truyền hình Ninh Thuận tổ chức công tác thiện nguyện

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Chồng mất, tiền bạc không còn. Anh chị em đồng nghiệp thường xuyên đến nhà cô động viên, an ủi. Rồi cô cũng chấp nhận nỗi buồn, quyết không để mất mát khiến mình gục ngã. Cô phải vững vàng mà sống, chăm sóc, chở che cho các con và ba chồng.

Đồng lương giáo viên không đủ cho 4 miệng ăn. May nhà còn ít sào ruộng, cô vừa dạy học, vừa làm ruộng, làm bánh, trà sữa… để tăng thu nhập. Hai con cô cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên chăm ngoan, học giỏi, đỡ đần mẹ. Dần dần cả nhà cô cũng vượt qua những ngày khốn khó nhất.

Cô thường nói, nếu không có sự giúp đỡ của đồng nghiệp và những nhà hảo tâm, chắc chồng cô không được ở bên vợ con ngần ấy thời gian. Tuy biết rằng sẽ mất nhưng chồng cô cũng đã được ở bên vợ con trong những ngày tháng cuối cùng, dù đau đớn nhưng ý nghĩa.

Cảm động trước vòng tay giúp đỡ của mọi người, cô Lê Thị Huyền lập tâm nguyện trở thành một vòng tay ấm áp cho những mảnh đời khó khăn. Bất kỳ mảnh đời nào cần giúp đỡ đều có thể đến gõ cửa nhà cô. Cô luôn tiếp đón mọi người, coi kỹ bệnh lý bác sĩ chẩn đoán, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình… Sau khi thấy họ thật sự cần hỗ trợ, cô không ngại khó khăn kêu gọi các nhà hảo tâm, những người bạn và trích tiền túi để giúp đỡ. Số tiền tuy không thấm là bao so với chi phí chữa trị, chỉ là vài chục triệu đồng, nhưng tấm lòng của mọi người cũng giúp gia đình người bệnh rất nhiều trong hành trình chữa trị.

Cô Lê Thị Huyền thầm lặng làm công việc thiện nguyện, sẵn sàng làm vòng tay nâng đỡ cho bất kỳ ai gặp bất hạnh. Cô nhớ hoàn cảnh của bản thân. Trong những ngày tháng chồng chữa trị ung thư, gia đình cô không còn một hạt gạo. Nhờ sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, gia đình cô mới có thể vượt qua giai đoạn ngặt nghèo. Tiền rất quý mà cái tình càng quý hơn. Chính cái tình đã giúp cô mạnh mẽ đối diện với những ngày mông lung phía trước.

Lương giáo viên tuy không nhiều nhưng cô vẫn trích ra một phần giúp những hoàn cảnh thương tâm, đồng thời kêu gọi nhiều tấm lòng chung tay hỗ trợ. Không chỉ một, hai người, tới nay cô đã giúp được gần cả trăm người. Như một cái cây mỏng manh nhưng có sức sống bền bỉ, một mình một xe, cô chạy đi xác minh từng hoàn cảnh nhờ giúp đỡ, khẩn thiết kêu gọi, rồi chạy đi hỗ trợ. Cô làm vì cái tâm chứ không vì muốn được tôn vinh, biết đến. Cô coi đây như công việc thầm lặng để trả ơn đời, trả ơn người vì chính vợ chồng cô cũng đã nhận được sự giúp đỡ đó.

Ấm áp những vòng tay

Cô Lê Thị Huyền chở xe lăn tặng người khuyết tật

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Biết bao nhiêu là hoàn cảnh thương tâm. Một em nhỏ bị bạo bệnh, ở với bà, ba mẹ đã ly dị và bỏ đi tứ xứ, không liên lạc. Bà chỉ đi mót lúa, làm thuê làm mướn, lấy đâu ra tiền chữa trị cho cháu? Một anh thợ hồ trẻ, đi phụ hồ bị giàn giáo đổ, té xuống gãy hết cả xương sườn, nằm bất động, không đi được. Vợ đang nuôi ba đứa con thơ, lại đang mang bầu. Trước khi có bầu, vợ anh còn đi làm cái này, cái kia lặt vặt. Giờ thì mọi thu nhập đều trông chờ vào anh mà anh lại nằm bất động. Hay như em sinh viên nghèo, vừa đi học vừa chạy Grab kiếm tiền đóng học phí, đùng một cái biết mình bị suy thận cấp độ 4, phải chạy thận. Một em nhỏ lẫm chẫm đi, té vào nồi nước sôi mẹ vừa nhấc xuống bếp… Bệnh tật, tai nạn không chừa bất kỳ ai, dù giàu nghèo, già trẻ, nhưng nhiều hoàn cảnh khổ quá, gạo không có mà ăn, giờ bệnh tật coi như là triệt đường sống.

Cô Lê Thị Huyền đã luôn đồng hành, kêu gọi hỗ trợ những mảnh đời này. “Một miếng khi đói”, một hành động đẹp trong lúc ngặt nghèo cũng giúp được gia đình bệnh nhân không ít. Và cô đã thầm lặng làm công việc thiện nguyện này trong suốt những năm qua.

Mạnh mẽ bước về phía trước

Muốn sống đẹp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Lời người nói qua nói lại, nói ra nói vô. Có người nói cô làm màu, đánh bóng bản thân. Rồi tiền đó là tiền thiên hạ chứ đâu phải tiền của cô, cô đâu có mất mát gì? Cô rảnh quá, việc nhà mình không lo, đi lo cho người khác… Chưa kể hiện giờ kinh tế khó khăn, những nơi thường giúp cô cũng chùn tay, việc kêu gọi khó khăn hơn. Có người còn ác ý nói chắc công việc của cô có lợi, “chấm mút” được tiền nên cô mới làm…

Ấm áp những vòng tay

Nụ cười của cô giáo sống đẹp

 

Lời nói gió bay nhưng cũng làm người nghe đau lòng và tổn thương. Cô đã từng sốc và buồn rất nhiều. Nhưng cô suy nghĩ nếu mình dừng việc giúp đỡ người khác thì mình không thiệt nhưng những mảnh đời đáng thương đó sẽ bị thiệt rất nhiều. Cô công khai số tiền nhà hảo tâm giúp đỡ, nhiệt tình giúp hết sức mình, dù ai nói gì cô vẫn làm, miễn tâm cô sáng.

Và cô đã làm được. Những lời nói không hay cô bỏ lại sau lưng, mạnh mẽ bước về phía trước. Giờ nhắc tới tên cô, ai cũng biết về một cô giáo có trái tim nhân ái. Cô đã giúp được rất nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo.

Việc xấu lại dễ làm, việc thiện lại khó làm. Nhưng khi làm rồi, ta sẽ nhận ra cuộc đời này có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương và cũng có rất nhiều người tốt. Có những người gửi cô cả chục triệu đồng giúp đỡ hoàn cảnh mà cô kêu gọi dù người đó chưa từng gặp cô.

Trong đợt dịch Covid-19, không ngại khó khăn, không sợ bệnh tật, cô Huyền rong ruổi trên xe máy đi chở gạo, rau củ… phát cho những gia đình thiếu thốn, những người già neo đơn.

Như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:

“Bác thợ mộc nói sai rồi

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa?

Sao rãnh nước lại trong veo đến thế?

Con chim sẻ tóc xù ơi

Bác thợ mộc nói sai rồi”.

(Phố ta)

Mỏng manh như một cái cây, gầy gò như một cơn gió nhưng cô Lê Thị Huyền thật mạnh mẽ. Cô có bàn tay nhân ái và trái tim thiện nguyện, cộng với sự nhiệt huyết, xả thân. Cô không làm việc vì giấy khen mà vì muốn mang lại sự ấm áp cho những mảnh đời cần giúp đỡ.

Cảm ơn cuộc đời khi xung quanh chúng ta còn có những người sống đẹp như cô. Vòng tay ấm áp sẽ ngày càng rộng mãi, bởi vì cuộc sống này luôn có những con người có trái tim yêu thương và chia sẻ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img