Thursday, September 12, 2024

Chuyện từ kỷ vật của Bác Hồ

Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa cho ra mắt cuốn sách Mỗi kỷ vật một câu chuyện (ảnh – NXB Chính trị Quốc gia Sự thật), với 36 câu chuyện về các kỷ vật được chia thành 3 phần: Việt Nam nhớ mãi ơn Người, Thắm tình bạn bè quốc tế, Hành trình kỷ vật.

Đó là chiếc áo len tặng Bác của bà Dương Thúy Liên, tên thật Thạch Thị Mai, người đã có vinh dự làm nhân viên tại Ban Kiểm tra 12 (mật danh của Văn phòng Chủ tịch nước trong kháng chiến chống Pháp) từ tháng 3.1949 đến cuối năm 1954.

Đó cũng là 2 bức huyết họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Ngô Quang Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật – Bộ VH-TT-DL) vẽ ngày 9.9.1969 khi đang tu nghiệp tại Tiệp Khắc thì nhận được tin Bác Hồ qua đời; họa sĩ Lê Duy Ứng (cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) vẽ bằng máu từ đôi mắt bị thương trên đường hành quân tiến vào giải phóng Sài Gòn (28.4.1975).

Chuyện từ kỷ vật của Bác Hồ

Mỗi hiện vật đều có một câu chuyện riêng trong hành trình lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ảnh: NXB cung cấp

Đó là những đĩa hát của Maurice Chevalier, ca sĩ nổi tiếng của nước Pháp. Khi còn là người thanh niên Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Paris (Pháp) đầu thập niên 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nghe. Những đĩa hát này, tháng 7.1969, nữ nhà báo Madeleine Riffaud, người bạn lớn của tình hữu nghị Việt – Pháp, đã tìm và gửi tặng Người.

Bức tranh thêu Tùng hạc được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng người bạn đồng minh thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (0SS) trước khi kết thúc nhiệm vụ trở về nước (tháng 10.1945). Bức tranh được 3 thế hệ gia đình Đại tá Stephen L.Nordlinger (Mỹ) gìn giữ cẩn thận. Sau tròn 60 năm, người cháu dâu của ông đã trao tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hay sự trở về của thanh gươm “Tận tâm báo quốc, bất thụ nô lệ” cùng áo trấn thủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng “Vua Mèo” Vương Chí Sình – đại biểu Quốc hội khóa I – khóa II, tỉnh Hà Giang, do hậu duệ là ông Vương Quỳnh Xuân từ Canada trao tặng.

Một kỷ vật khác minh chứng cho những hoạt động tài chính mang tính chất “tiền lưng gạo bị” trong thời kỳ kháng chiến, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bị bao vây, cô lập, đó là đồng tiền bản vị vàng 20 Việt.

Cuối tháng 7.1948, Sở Đúc tiền (Bộ Tài chính) đóng tại Tuyên Quang tiến hành đúc các đồng tiền vàng có mệnh giá: 10 Việt, 20 Việt, 50 Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng các đồng tiền bản vị vàng này làm quà tặng cho các thành viên Chính phủ (Bộ trưởng và Thứ trưởng), một số đại biểu Nam bộ ra công tác, hoặc làm tặng phẩm ngoại giao trong các chuyến đi xuất ngoại.

Năm 2013, theo di nguyện của cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, con trai trưởng của cụ là nhà giáo Vũ Thế Khôi đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh đồng tiền bản vị vàng 20 Việt này. Đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn chưa sưu tầm được 2 đồng tiền còn lại là đồng 10 Việt và đồng 50 Việt.

Mỗi hiện vật đều có một câu chuyện riêng trong hành trình lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi