Trước nguy cơ lũ, Hà Nội tập trung di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các giải pháp “chạy lũ” vẫn đang được chính quyền và người dân thủ đô khẩn trương thực hiện.
DI DỜI HÀNG NGÀN HỘ DÂN
Trước nguy cơ lũ, Hà Nội tập trung di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Việc di dời được thực hiện khẩn trương, xuyên suốt từ tối 10.9 đến cả ngày 11.9.
Tại H.Thường Tín, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương quyết định thực hiện kế hoạch di dời 3.000 hộ dân khu vực ven đê đến nơi an toàn. Tại H.Đan Phượng, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Thọ An, cho biết nước lũ dâng nhanh khiến thôn Am Nhập (có 250 hộ và 1.125 nhân khẩu) bị ngập nặng, buộc phải di dời để đảm bảo an toàn. Tại một số khu vực ven sông của Q.Hoàn Kiếm và “rốn lũ” Chương Mỹ, công tác di dời các hộ dân trong vùng ngập lụt được triển khai cấp tốc. Đặc biệt, mực nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm đoạn qua xã Đại Áng, H.Thanh Trì. UBND huyện này đã chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng trên 1.000 người để xử lý khẩn cấp sự cố.
Cũng trong ngày 11.9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký công điện, yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức cứu trợ, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. “Chuẩn bị sẵn sàng phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến trưa 10.9”, công điện nêu.
MỰC NƯỚC TRÊN SÔNG CÒN CAO, RÚT CHẬM
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, cho biết phần lớn khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ lượng mưa có xu thế giảm. Dự báo đến hết ngày 12.9, mưa sẽ tiếp tục ở giữa khu vực đồng bằng và Bắc Trung bộ. Đồng thời, do mực nước trên thượng nguồn vẫn biến đổi chậm nên có khả năng mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có xu thế tăng nhưng ở mức chậm. Với mực nước này, các nguy cơ liên quan đến phần hạ du là cao, đặc biệt vùng trũng, thấp, vùng ven sông; hầu hết các sông sẽ lên ở mức báo động 3.
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài KTTV khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, nhận định nguy cơ ngập úng tại một số khu vực như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên còn hiện hữu. Ngoài ra, một loạt các huyện ngoại thành như Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh và Q.Hà Đông vẫn chịu ảnh hưởng của các sông nhỏ, sông nội tỉnh.
Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo KTTV, cũng thông tin về một số dấu hiệu tích cực: vùng thượng nguồn sông Hồng như sông Thao, mực nước ở Lào Cai, Yên Bái đã đạt đỉnh và đang xuống. Cộng với việc hồ Hòa Bình đóng thêm 1 cửa xả, hồ Tuyên Quang tiếp tục đóng 2 cửa xả nữa, nguồn nước về hạ lưu đã giảm. Dù vậy, mực nước trên các sông còn rất cao, rút rất chậm. Nhất là vùng hạ lưu, đồng bằng, hầu hết các điểm đo đều đã ở mức báo động 3 trở lên, một số sông đã xuất hiện lũ lịch sử. “Bây giờ, nước ở trên tiếp tục xuống, nước dưới này thì đang cao nên khả năng tiêu thoát sẽ chậm. Thời gian ngập lụt sẽ còn kéo dài, ít nhất là trong 2 – 3 ngày tới”, ông Long nói.
Riêng Hà Nội, ông Long nói dù lũ trên sông Hồng đang lên, cập nhật gần nhất trên báo động 2 là 0,6 m, thì việc ngập lụt cũng chỉ xảy ra ở khu vực ngoài đê như khu vực Phúc Tân, Phúc Xá, đường Bạch Đằng chứ không thể nào vào trong nội đô.
324 người chết và mất tích
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 17 giờ 30 ngày 11.9, bão số 3 và sạt lở đã khiến 324 người chết và mất tích (179 người chết, 145 người mất tích). Lào Cai là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 72 người chết và 111 người mất tích. Cao Bằng có 34 người chết, 18 người mất tích; Yên Bái 40 người chết, 4 người mất tích; Quảng Ninh 13 người chết; Hải Phòng 2 người chết; Hà Nội 1 người chết; Bắc Giang 2 người chết; Tuyên Quang 2 người chết, 1 người mất tích; Phú Thọ 1 người chết, 9 người mất tích…
Dự báo trong 12 giờ tới, sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống dưới mức báo động 3, tại Phú Thọ xuống nhưng vẫn trên mức báo động 1. Sông Lô tại Tuyên Quang xuống mức báo động 3; sông Cầu vượt mức báo động 3; sông Thương biến đổi chậm, vượt mức báo động 3. Sông Lục Nam sẽ ở mức báo động 3; sông Thái Bình vượt mức báo động 3; sông Hoàng Long biến đổi chậm vượt mức báo động 3; sông Hồng tại Hà Nội biến đổi chậm, trên mức báo động 2 và dưới mức báo động 3.
Đề cập ảnh hưởng từ việc mực nước của nhiều con sông ở mức báo động 3, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài KTTV khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, cho hay hiện một số địa phương còn nguy cơ cao như Thái Nguyên, Bắc Giang.
Nguồn: thanhnien.vn