Tuesday, November 26, 2024

Khởi sắc cho xuất nhập khẩu Quảng Ninh

Từ đầu năm đến nay, các đơn hàng xuất khẩu của tỉnh Quảng Ninh đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề cho xuất khẩu những tháng cuối năm khởi sắc.

Khởi sắc

Theo thông tin từ UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, trong kỳ nghỉ lễ 2/9, khu vực cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II, Lối mở Km3+4 Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hoạt động bình thường.

Từ ngày 31/8 đến 3/9, tổng lượng phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 Hải Yên là 1.170 phương tiện chở 18.105 tấn hàng hóa (bằng 219,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, tại Cửa khẩu Bắc Luân II có 983 phương tiện (522 phương tiện Việt Nam xuất cảnh; 461 phương tiện Trung Quốc nhập cảnh). Hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 13.855 tấn (nhập khẩu đạt 8.499 tấn, xuất khẩu đạt 5.356 tấn).

Còn tại Lối mở Km 3+4 Hải Yên có 187 phương tiện chở 4.250 tấn hàng hóa. Trong đó, hoa quả (hoa quả tươi, hoa quả sấy) là 558 tấn, Bột sắn 457 tấn, Thủy hải sản đông lạnh 2.876 tấn, Hạt khô và hàng hóa khác 120 tấn; Tôm, cua, cá sống 239 tấn. Hàng hóa nhập khẩu đạt 248 tấn (hàng tạp, hàng vải).

Khởi sắc cho xuất nhập khẩu Quảng Ninh

Hoạt động XNK tại cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên – Móng Cái (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Trong các ngày nghỉ lễ, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cũng đã làm thủ tục cho 1.684 tờ khai, tăng 85%; kim ngạch 68,57 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp làm thủ tục 240 doanh nghiệp, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Hiền – Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh chia sẻ, cùng với thị trường Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển vào các thị trường FTA, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động xuất khẩu về: Thiết bị điện tử, linh kiện, xi măng, clinke, than, dầu thực vật, nến cao cấp, vonfram, sợi hóa học, vải bạt polyme, đá vôi, giầy dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ… sang các thị trường Singapore, Malaixia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và các thị trường còn nhiều tiềm năng như Lào, Myanmar, Brunei.

Đồng thời tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản chế biến, hàng may mặc, nến cao cấp, gạch, gốm cao cấp, xơ sợi, than, dăm gỗ… sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; xuất khẩu than, gạch ốp lát, gốm, thuỷ hải sản, nến cao cấp, xi măng, clinke… vào thị trường Ấn Độ, Pakistan; xuất khẩu hàng điện tử, may mặc, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, gạch ốp lát, gốm sứ, nến cao cấp, bật lửa… sang thị trường EU (Đức, Anh, Pháp và Italia)…

Được biết, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1,966 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Xi măng ước đạt 61,1 triệu USD; clinker 65,8 triệu USD; xơ, sợi bông ước đạt 262 triệu USD; thủy sản chế biến ước đạt 3,2 triệu USD; quần áo các loại ước đạt 172 triệu USD; dầu thực vật 1,4 triệu USD; nến 40,7 triệu USD; dăm gỗ 171 triệu USD…

Thúc đẩy các giải pháp để phát triển

Theo BQL Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, với những cố gắng, nỗ lực của các ngành chức năng, hoạt động XNK từ đầu năm 2024 đến nay có nhiều khởi sắc, tổng kim ngạch XNK hàng hóa 6 tháng ước đạt 33,7 triệu USD. Trong đó chính ngạch đạt 17,7 triệu USD; xuất khẩu của cư dân biên giới đạt trên 15,2 triệu USD, tăng 77,19% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản đông lạnh, nông sản bèo, cói, hạt tiêu, nhãn khô, hạt sen khô, cá khô, cá cơm…

Khởi sắc cho xuất nhập khẩu Quảng Ninh

Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hoành Mô kiểm soát hàng hóa tại Cửa khẩu (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Ông Đậu Hùng Dương – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cho biết: Để đảm bảo thông quan hàng hóa và tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XNK, Chi cục chủ động, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu. Thời gian tới Chi cục tiếp tục đẩy mạnh trao đổi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đề xuất cấp có thẩm quyền gỡ vướng cho doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội sẵn có để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động XNK, đảm bảo các mục tiêu thu ngân sách năm 2024.

Năm 2024 Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh đạt 11% so với cùng kỳ, trong đó tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu 65%. Tăng tỷ trọng vào thị trường xuất khẩu khu vực châu Á đạt khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu đạt khoảng 5%. Thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ đạt khoảng 2%. Thị trường xuất khẩu khu vực châu Phi đạt khoảng 1%; thị trường xuất khẩu khu vực khác đạt khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024.

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng hóa bền vững cho xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng, bảo đảm đạt tiêu chuẩn của các sản phẩm nông – lâm – thủy sản trên địa bàn theo quy trình nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản, vệ sinh ATTP… vào các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc (theo tiêu chuẩn Global G.A.P, tiêu chuẩn Organic)…

Khởi sắc cho xuất nhập khẩu Quảng Ninh

Xuất nhập qua cửa khẩu vùng biên

Tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia trực tiếp các mạng phân phối hàng hóa tại thị trường nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm của địa phương; thực hiện các hoạt động và nâng cao năng lực của tổ chức xúc tiến thương mại phục vụ XNK.

Trong đó, kêu gọi thu hút các nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư các dự án sản xuất xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi phục vụ XNK hàng hóa; phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, tăng cường ứng dụng CNTT trong logistics.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, là đơn vị đầu mối chủ trì tham mưu kế hoạch phát triển hoạt động XNK, thời gian tới Sở tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào công tác nắm bắt tình hình hoạt động XNK, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động XNK tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, để đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp XNK các quy định mới có liên quan đến hoạt động XNK; thông tin về thị trường xuất khẩu và các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài; tình hình hoạt động tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh…

Sở tích cực nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động thông quan hàng hóa, hoạt động điều tiết hàng hóa của phía Trung Quốc để kịp thời thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có hoạt động XNK tại các cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước kịp thời điều chỉnh để tránh những rủi ro cho doanh nghiệp; thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện TTHC đối với lĩnh vực XNK C/O điện tử trên Chính quyền số với dịch vụ công mức độ 4 toàn phần.

Ngành Công Thương tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số, nhằm đa dạng hóa thị trường XNK.

Trong đó chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam. Từ đó góp phần là cầu nối hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img