Wednesday, November 27, 2024

Lối ra cho lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM?

Sáng 6.9, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức tọa đàm chủ đề “Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật từ đổi mới (1986) đến nay – những vấn đề đặt ra cần giải quyết”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, lãnh đạo cơ quan quản lý văn hóa và của chính những người làm công tác lý luận, phê bình.

KHÔNG SỐNG ĐƯỢC VỚI NGHỀ

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, cho rằng chưa có trường lớp nào đào tạo về lý luận phê bình (LLPB) thực sự bài bản, duy nhất Nhạc viện TP.HCM có mã ngành Âm nhạc học. Lấy kinh nghiệm bản thân giảng dạy gần 40 năm và “cày” bài thường xuyên cho các báo, tạp chí chuyên ngành, PGS-TS Mỹ Liêm “nghĩ quá buồn” vì nhìn sau lưng không có em nào đi theo mình cả. “Giữa thời buổi phát triển các trang mạng xã hội, chỉ cần viết sơ sẩy một chút là bị “ném đá” tơi bời. Viết một bài là phải chấp nhận hy sinh nhưng hy sinh để được gì, viết có ai đọc không? Mà chẳng ai sống được bằng nghề phê bình thì làm sao có thế hệ kế thừa”, bà Mỹ Liêm chua chát.

Lối ra cho lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM?

Quang cảnh buổi tọa đàm

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Có ý kiến cho rằng hiện mức chi trả cho các bài viết LLPB thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Trong khi để có một công trình “đỉnh cao” tốn nhiều thời gian, chất xám, kể cả ảnh hưởng thương hiệu cá nhân. Ngoài ra, hoạt động LLPB còn có khoảng cách với thực tế sáng tác. Lâu nay có thực trạng người trực tiếp sáng tác nghệ thuật rất ít quan tâm đến LLPB và đội ngũ LLPB cũng rất khó tiếp cận đội ngũ sáng tác. Làm sao để hai hoạt động này xích lại gần nhau cũng là bài toán cần có lời giải.

SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG…

Nhìn lại chặng đường từ đổi mới (1986) đến nay, ông Thanh Hiệp, Trưởng ban LLPB Hội Sân khấu TP.HCM, vẫn luôn tự hào về một lực lượng LLPB hùng hậu, tên tuổi từng tạo dấu ấn đậm nét cho sân khấu TP.HCM: Kiên Giang, Dương Linh, Đức Kôn, Ngọc Linh, Huỳnh Thanh Diệu, Cát Vũ, Nguyễn Chương, Việt Hà, Dương Thị Liên Chi, Lê Chí Trung, Đỗ Dũng, Việt Nga, Trần Thị Bạch Tuyết… Tuy nhiên, ông Hiệp cũng thẳng thắn thừa nhận: “Nhìn vào mặt bằng công tác LLPB hiện nay sẽ nhận thấy sự phân bổ lực lượng không đều giữa các loại hình, trong đó sân khấu thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Tính chuyên nghiệp của những người làm LLPB không cao, không đồng đều. Các ngòi bút LLPB uy tín nay đã lớn tuổi, có người đã nghỉ hưu”. Vì vậy, ông Thanh Hiệp đề nghị thành lập ngay trang web của Hội đồng LLPB liên hiệp, để từ diễn đàn này, tác động mạnh đến đời sống văn học nghệ thuật (VHNT) tại TP.HCM. Từ đó, LLPB VHNT sẽ phát huy thế mạnh, là công việc song hành gạn lọc tìm ra định hướng thẩm mỹ khích lệ khán giả đến rạp tự thẩm định các tác phẩm.

Nhiếp ảnh gia Trần Quốc Dũng thì yêu cầu những cây bút LLPB phải biết dấn thân, nhất là trong lĩnh vực nhiếp ảnh: “Phải trực tiếp cầm máy, lăn xả vào đời sống sáng tác mới giúp người làm công tác LLPB nói được những điều mà chỉ “người trong cuộc” mới hiểu”. Và làm thế nào để tập hợp, thu hút lớp trẻ qua sự kết nối của một CLB chuyên ngành giữa Hội Điện ảnh và các khoa chuyên ngành ở các trường ĐH cũng được đưa ra bàn luận. “Sự kết nối này nhằm tạo điều kiện cho các nhà LLPB trẻ bàn luận, nhận xét tác phẩm của những người làm phim trẻ”, TS Nguyễn Thị Kim Ửng, Hội Điện ảnh TP.HCM, kiến nghị.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền đưa ra kết luận: “Đội ngũ LLPB VHNT TP.HCM phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh với tính chiến đấu cao; phê bình đúng, phê bình trúng thì không có gì phải e ngại. Từng cá nhân phải giữ vững bản lĩnh chính trị, luôn xem LLPB là động lực cho VHNT TP phát triển, đồng thời tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực bài bản, nâng cao chất lượng các hoạt động này để TP.HCM xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img