Wednesday, January 15, 2025

Nên cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học mạnh tay hơn?

Nhiều nước phát triển, có nền giáo dục hiện đại trên thế giới đều kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường học để các em tập trung hơn, tránh xao nhãng và tránh nhiều hệ lụy từ thiết bị công nghệ gây ra. Nên chăng ở VN chúng ta cũng cần kiên quyết hơn với vấn đề này?

CÔ ĐỌC DIỄN VĂN KHAI GIẢNG, TRÒ BẤM ĐIỆN THOẠI

Có mặt trong ngày khai giảng một trường THPT tại TP.HCM hôm 5.9 vừa qua, chúng tôi không khó quan sát thấy từng nhóm học sinh (HS) ngồi bấm điện thoại di động (ĐTDĐ). Trên sân khấu, hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng, đại biểu phát biểu; ở dưới, học trò không mấy chú tâm ngoài những gì trên màn hình nhỏ của các em.

Nên cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học mạnh tay hơn?

Học sinh dùng điện thoại di động trong lễ khai giảng năm học 2024-2025

ẢNH: THÚY HẰNG

Phó hiệu trưởng một trường THPT tại An Giang cho biết từ ngày HS được mang điện thoại vào trường, ông cảm nhận rõ ràng các em mất đi nhiều sự kết nối, các sự vận động cần thiết. Đầu giờ học, giờ ra chơi, cứ từng tốp ngồi riêng một góc nhưng trên tay ai cũng một chiếc điện thoại và các em “bấm bấm”. Không phải là đá bóng, đá cầu, bóng chuyền… như học trò ngày trước, sân trường bây giờ chỉ thấy những mái đầu cắm cúi vào chiếc ĐTDĐ.

CÓ HIỆN TƯỢNG HS XAO NHÃNG

Phó hiệu trưởng trường THPT ở An Giang nêu trên cho hay cách đây 3-4 năm nhà trường rất nghiêm khắc trong việc cấm HS mang ĐTDĐ vào trường, nếu phát hiện HS nào mang, dùng trong trường thì giữ điện thoại lại, sau đó mời phụ huynh lên trường làm việc rồi mới trả lại. Tuy nhiên, theo vị này, hiện nay nhà trường đã phải thay đổi lại nội quy, bởi HS bây giờ dùng ĐTDĐ mắc tiền, nếu nhà trường giữ thì lo ngại về vấn đề pháp lý, bảo vệ tài sản cho các em. Bên cạnh đó, khi Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.6.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) thì HS được dùng điện thoại khi giáo viên (GV) cho phép để tra từ vựng, hay tham khảo học liệu, dùng một số ứng dụng để học tập… do đó cấm HS mang điện thoại vào trường rất khó.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, khi cho phép HS dùng ĐTDĐ thì có hiện tượng HS xao nhãng, rồi không thể nào biết các em đang xem gì, đọc gì trên điện thoại, nhà trường không thể kiểm tra vì lại liên quan tới quyền riêng tư của các em. Vị này cũng cho biết những mặt trái khi HS sử dụng nhiều thiết bị công nghệ là có, là nguy cơ khiến các em vướng vào các tranh cãi trên mạng, bạo lực học đường, ở ngoài đời…

Nhà trường đã quy định là GV lớp học phải có trách nhiệm, nếu thấy em nào dùng ĐTDĐ không đúng yêu cầu thì phải ghi lại, tính lỗi của em đó. Tuy nhiên, áp lực cho GV lại quá nhiều. Nhiệm vụ của GV là giảng bài, rất khó để quán xuyến được hết xem dưới lớp em nào mở điện thoại, hoặc em đó mở điện thoại để làm bài tập hay xem phim, nhắn tin, vào mạng xã hội…

“Chúng tôi thú thật cũng chưa có biện pháp tốt nhất, bây giờ quan trọng nhất là ý thức HS, sự phối hợp của gia đình, làm sao để các em tự giác, có ý thức, cha mẹ cũng cần trao đổi, khuyên răn các em về sử dụng điện thoại đúng mục đích, không lạm dụng, không sa đà vào những nội dung xấu. Bên cạnh đó, nếu điều lệ trường trung học yêu cầu cấm HS mang ĐTDĐ vào trường, chúng tôi có cơ sở pháp lý để thực hiện, chấp hành ngay”, cán bộ quản lý này nói.

Nên cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học mạnh tay hơn?

Một số trường học cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường, kể cả ra chơi, học sinh dùng điện thoại di động trước khi vào trường và sau khi ra về

ẢNH: THÚY HẰNG

CỬ TRI LO LẮNG HỆ LỤY HS DÙNG ĐIỆN THOẠI TRONG LỚP

Được đăng tải công khai trên website Bộ GD-ĐT ngày 4.3.2021 là phần ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Phản ánh này như sau: “Một số cử tri phản ánh quy định tại Khoản 4, Điều 37 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về các hành vi HS không được làm, trong đó có quy định “Sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép” chưa thực sự phù hợp, khi mà còn nhiều HS thiếu tự giác và chăm chỉ trong học tập. Theo cử tri, quy định này đồng nghĩa với việc không cấm HS mang điện thoại vào lớp; theo đó, với một lớp học GV sẽ rất khó kiểm soát hành vi sử dụng điện thoại vào mục đích khác ngoài phục vụ học tập của HS. Thực tế, đã có nhiều HS lợi dụng việc được mang điện thoại vào lớp để sử dụng vào việc riêng, như xem phim, chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng, vì hiện nay đa số đều sử dụng điện thoại thông minh; những hành vi trên đã làm xao nhãng việc học tập của cá nhân và ảnh hưởng lớn đến việc tập trung học tập của lớp. Cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại quy định trên”.

Khảo sát trên Thanh Niên Online hồi tháng 2.2024 cho thấy, có 64% phụ huynh ủng hộ việc cấm HS dùng ĐTDĐ trong trường học. Nhiều phụ huynh nêu các lý do, trong đó phần lớn cho rằng mang ĐTDĐ vào trường, lớp khiến giảm tập trung, gây xao nhãng, thiếu tôn trọng thầy cô. Phụ huynh có tên “anh kiet” nói: “Theo tôi nên cấm tuyệt đối việc sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Thầy cô đang giảng bài, còn HS thì “cắm đầu” vào ĐTDĐ mà “bấm bấm, quẹt quẹt”, vậy thì thầy cô còn hứng thú gì với bài giảng nữa? Thời đại nào, kể cả là thời đại công nghệ thì HS cũng phải tôn trọng thầy cô, lịch sự tối thiểu với thầy cô chứ? Còn ngoài giờ học nhưng ở trong trường thì HS cũng phải tuân theo nội quy của nhà trường. Nếu nội quy cấm thì phải chấp hành”. (còn tiếp)

Chúng tôi thú thật cũng chưa có biện pháp tốt nhất, bây giờ quan trọng nhất là ý thức HS, sự phối hợp của gia đình, làm sao để các em tự giác, có ý thức, cha mẹ cũng cần trao đổi, khuyên răn các em về sử dụng điện thoại đúng mục đích, không lạm dụng, không sa đà vào những nội dung xấu.

Phó hiệu trưởng một trường THPT ở An Giang

“Dùng ĐTDĐ trong lớp học cơ bản vẫn là hành vi bị cấm”

Bộ GD-ĐT trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình hôm 4.3.2021 đăng tải trên trang web Bộ GD-ĐT: “Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.9.2020 của Bộ GD-ĐT có quy định “HS không được sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép”. Như vậy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của HS chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra.

Để hướng dẫn GV và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có ĐTDĐ) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ GD-ĐT có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18.12.2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: “không bắt buộc HS phải trang bị ĐTDĐ để phục vụ học tập. Việc cho phép HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do GV trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được GV hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả HS phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. GV thông báo cụ thể yêu cầu HS chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều HS không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.

Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và HS chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của GV, nhà trường và gia đình học sinh”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img