Monday, October 14, 2024

Nhật Bản thu hồi các mảnh vỡ nhiên liệu hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima Daiichi

Sau 4 lần hoãn kế hoạch thu hồi các mảnh vỡ nhiên liệu hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima Daiichi do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và các vấn đề về kỹ thuật khác, vào sáng nay (10/9), Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thu hồi các mảnh vở nhiên liệu hạt nhân từ Tổ máy 2 của Nhà máy này.

Theo thông báo của TEPCO, vào lúc 7h20 sáng 10/9 (theo giờ địa phương), công tác thử nghiệm thu hồi các mảnh vở nhiên liệu hạt nhân từ Tổ máy số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã chính thức được bắt đầu. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 13 năm rưỡi kể từ khi xảy ra thảm họa động đất – sóng thần và sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi tháng 3/2011, việc thu hồi các mảnh vở nhiên liệu hạt nhân mới chính thức được tiến hành.

Trước đó, vào ngày 22/8 vừa qua, kế hoạch lần đầu tiên thu hồi thử nghiệm các mảnh vỡ nhiên liệu hạt nhân tại Tổ máy số 2 đã phải hoãn lại do trong quá trình chuẩn bị, các chuyên gia phát hiện các thiết bị ống lồng có trang bị dụng cụ kẹp dùng để gắp các mảnh vỡ bị bố trí sai thứ tự. Sau khi thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sai sót, vào lúc 6h30 phút sáng nay, TEPCO đã đưa các thiết bị ống lồng này vào bên trong các thùng chứa và đến 7h20, công tác thử nghiệm loại bỏ các mảnh vỡ nhiên liệu hạt nhân chính thức bắt đầu.

Theo TEPCO, để có thể loại bỏ các mảnh vỡ nhiên liệu hạt nhân, các chuyên gia phải sử dụng một sợi dây cáp được hạ xuống từ đầu một thiết bị giống như một chiếc ống mỏng để lấy và thu gom các mảnh vỡ ở đáy thùng chứa nhiên liệu hạt nhân. Hầu hết toàn bộ quy trình triển khai công việc này sẽ được thực hiện từ xa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch TEPCO – ông Tomoaki Kobayakawa nhấn mạnh, để hoàn thành kế hoạch các chuyên gia sẽ mất khoảng hai tuần ngay cả khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Vì vậy, mọi công việc đều được triển khai “với tinh thần khẩn trương và an toàn là trên hết”.

TEPCO đặt mục tiêu sẽ thu hồi tối đa 3gram mảnh vỡ bằng thiết bị ống lồng có trang bị dụng cụ kẹp từ lò phản ứng số 2, sau đó mở rộng dần sang tổ máy số 3 – nơi việc xử lý, loại bỏ trên quy mô lớn có thể được tiến hành vào đầu những năm 2030.

Theo ước tính của các chuyên gia, có tổng cộng khoảng 880 tấn mảnh vỡ nhiên liệu hạt nhân bên trong các thùng chứa của Tổ máy số 1, 2, và 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Đây là những hỗn hợp nhiên liệu hạt nhân bị tan chảy từ sự cố hạt nhân tại Nhà máy xảy ra hồi tháng 3/2011. Do các mảnh vỡ này đến nay vẫn phát ra những bức xạ cực mạnh và rất khó để tiếp cận, nên việc loại bỏ chúng được coi là “thách thức lớn nhất trong việc ngừng hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân”. Vì vậy, sự thành công hay thất bại của công tác này luôn thu hút được sự chú ý lớn từ dư luận.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img