Những món đồ chơi, đồ ăn trung thu xưa đang được phục dựng và giới thiệu ở Hà Nội.
Nhân viên hệ thống quán ăn Ngon, Ngon Garden năm nay có thêm một nhiệm vụ: kết con đường đèn ông sao, đèn lồng. Tại quán Ngon Garden còn có một điểm nhấn là chiếc đèn trung thu do họa sĩ Lê Thiết Cương làm tặng bà chủ quán Phạm Thị Bích Hạnh. Trong những điểm đến Michelin này còn có những không gian bày đồ chơi trung thu xưa: tò he, mặt nạ, ông tiến sĩ giấy… “Các em tự trang trí quán và cũng hiểu hơn về trung thu”, bà Hạnh nói.
Cũng tại hệ thống quán của bà, nhiều món ăn trung thu được giới thiệu cho khách. Bà Hạnh có những set quà gồm bánh nướng, bánh dẻo, cốm, chuối, hồng ngâm để khách thưởng thức cùng trà. Các món ăn có cốm như chè cốm, chả cốm cũng xuất hiện trong thực đơn. Một món ăn mùa trung thu ít người biết cũng xuất hiện là ốc hấp lá gừng.
“Ngày trước, ăn ốc trông trăng là một thói quen của người Hà Nội. Có những bà nội trợ còn giữ vỏ ốc trong nhà để làm món đó, vỏ ốc rửa sạch sẽ rồi nhồi nhân hấp, sau bữa ăn lại rửa sạch cất đi. Hoặc năm nay có vỏ ốc mới đẹp hơn lại giữ lại thêm vào”, bà Hạnh nói, giọng nhớ nhung ký ức.
Tại Hoàng thành Thăng Long, không gian của trung thu truyền thống cũng được mở ra. Những gian trưng bày được dựng như bên hiên của những ngôi nhà phố cổ. Những ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, đèn kéo quân được bày trên những chiếc chõng hoặc gắn lên tường có mành tre. Khu di sản thế giới này cũng giới thiệu một số nghi lễ cúng tổ tiên, rối nước từ thời nhà Lý.
Một điểm đến đáng chú ý năm nay là có sự xuất hiện của Phường Bách Nghệ tại Hà Đông (Hà Nội). Phường Bách Nghệ do người yêu di sản làng nghề Nguyễn Quý Đức sáng lập. Tại đây có không gian giới thiệu trung thu truyền thống với rất nhiều món đồ chơi do chính các nghệ nhân tự tay làm. “Ông tiến sĩ là món đồ chơi chúng tôi đặt nghệ nhân thực hiện”, ông Đức chia sẻ.
Tại Phường Bách Nghệ, ý nghĩa của các món đồ trung thu cũng được giải thích cho người đến trải nghiệm. Chẳng hạn, ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ trung thu là biểu tượng cho những người học hành giỏi giang, đỗ đạt, làm quan trong triều. Các gia đình bày ông tiến sĩ giấy trong Tết trung thu thể hiện mong muốn con em mình ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và đỗ đạt thành người tài. Bên cạnh ông tiến sĩ giấy, không thể thiếu hai ông múa gậy trông trăng. Hai ông múa gậy có ý nghĩa tượng trưng khi con cháu thành đạt sẽ có người bảo vệ, che chở…
Truyền thống đắt hay rẻ ?
Bà Phạm Thị Bích Hạnh chia sẻ, những món quà trung thu cần được duy trì số lượng nhiều thì nghệ nhân mới có thể sống được với nghề và giữ nghề. Vì thế, hằng năm bà luôn đặt các món đồ chơi trung thu với số lượng lớn để làm quà tặng, cũng là để trưng bày nhằm giữ truyền thống Hà Nội. “Tôi tìm mãi mới gặp được người làm những giỏ thiên nga bằng bông. Trước mẹ bác ấy làm, và sau này cụ truyền nghề lại cho con gái”, bà Hạnh nói. Những mâm cỗ trung thu cổ đầu tiên do bà Hạnh phục dựng có sự hỗ trợ rất lớn của nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Ông Bách sau đó cũng là người phục dựng đèn con cua, đèn con cá cho trung thu.
Bà Hạnh vì thế cũng gắn bó với nhiều nghệ nhân. Bà đặt bánh nướng bánh dẻo, chả cốm của nghệ nhân Ánh Tuyết mỗi dịp trung thu đến. Bà cũng đặt tò he của nghệ nhân Đặng Văn Hậu, một trong những người còn lại vẫn nặn và sáng tạo mẫu tò he. Trước đây, nghề làm tò he tưởng chừng đã mất đi do gián đoạn vì chiến tranh. Tuy nhiên, bây giờ món đồ này lại có thêm mẫu mới bên cạnh mẫu cổ truyền. Những mâm cỗ trông trăng bây giờ có mâm quả tò he và cả những nhân vật hoạt hình hiện đại như Doraemon, công chúa Elsa, người Nhện…
Những món đồ của nghệ nhân làm ra, nếu so sánh với các sản phẩm đồ chơi trung thu khác, thường đắt hơn nhiều. Tất nhiên, để làm ra nó cũng cầu kỳ, kỹ lưỡng hơn nhiều. “Nếu so sánh về giá cả, đồ chơi nghệ nhân làm chắc chắn sẽ kén khách hơn đồ nhập số lượng lớn. Mặt nạ chẳng hạn, nếu là đồ giấy bồi nhập sẽ mỏng manh hơn, màu cũng không đẹp đẽ bằng”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nói. Vì thế, theo ông Đạt, việc tìm cách lan tỏa không khí trung thu, không gian trung thu truyền thống cũng là cách để người trẻ hiểu hơn giá trị của các món đồ này. Từ đó, họ muốn gìn giữ và tiêu thụ với số lượng nhất định, sau đó giả sẽ giảm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Đức cho hay trải nghiệm không gian trung thu ở Phường Bách Nghệ đang được người trẻ thích thú. “Các em đến và ngồi hàng 3 – 4 tiếng, bố mẹ giục mãi mới chịu về. Trải nghiệm ở đây cũng có nhiều mức chi phí. Rẻ nhất là 10.000 đồng, các em có thể tô con quay. Các mức giá khác tùy theo trải nghiệm, cao nhất là 200.000 đồng”, ông Đức nói.
Nguồn: thanhnien.vn