Thay vì dựa vào cơ sở nuôi dưỡng tập trung như mái ấm, làng trẻ…, việc chăm sóc, gắn kết với gia đình, cộng đồng và mạng lưới thân tộc giúp trẻ mồ côi không còn đơn độc và có nhiều động lực hơn trên hành trình trưởng thành.
Tham dự chương trình có TS Lê Hoàng Dũng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; PGS-TS Lê Thanh Sang, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ.
Ông Nguyễn Phú Đức, Giám đốc Quỹ Khởi sự từ tâm cho biết, tọa đàm là dịp thảo luận, gợi ý giải pháp, cách tiếp cận phù hợp để đồng hành cùng trẻ mồ côi, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi dựa trên nền tảng gia đình, kết nối các đơn vị trong hệ sinh thái thiện nguyện.
Nâng đỡ sức khỏe tinh thần
Thạc sĩ Nguyễn Văn Bình cho biết, chăm sóc trẻ mồ côi dựa vào gia đình, cộng đồng và mạng lưới thân tộc là cách tiếp cận được luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 của Việt Nam và các tổ chức quốc tế khuyến khích, nhưng thực tế đa phần trẻ em mồ côi dựa vào các mô hình chăm sóc, giáo dục tập trung là chính.
Một số hình ảnh triển lãm
ẢNH: MỸ DIỆP
Khảo sát trong phạm vi dự án Cùng làm cha mẹ giai đoạn 2022 – 2024 của Quỹ Khởi sự từ tâm tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với 50 trẻ và 45 hộ gia đình cho thấy trẻ và người nuôi dưỡng đang chịu nhiều tổn thương và áp lực, trong khi phúc lợi hỗ trợ cho gia đình rất đơn giản như kinh phí, lương thực thực phẩm và học phí.
Theo đó, trong 40 trường hợp Quỹ Khởi sự từ tâm tiếp nhận năm 2022 có 12 trẻ trải qua cảm giác không đáng sống trong 6 tháng mất đi người thân, 20 trẻ rơi vào tình trạng cô đơn, 7 trẻ không còn giữ được kết nối với người thân còn lại, 2 trẻ rơi vào trầm cảm và 1 trẻ chậm phát triển ngôn ngữ.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh không cố gắng tuyệt vọng hóa đời sống trẻ em mồ côi nhưng sự thiếu vắng tình thương của cha, mẹ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Trẻ và người nuôi dưỡng hầu như không được tiếp cận các chương trình chăm sóc đời sống tinh thần do không có chính sách hỗ trợ từ hệ thống, không được tiếp cận hỗ trợ phi chính thức từ dự án cộng đồng.
“Do đó, câu chuyện đồng hành không chỉ đơn thuần là hỗ trợ học bổng, vật chất mà còn là chăm sóc sức khỏe tinh thần, không thể một lần nữa tách trẻ mồ côi ra khỏi sợi dây nối kết gia đình, cộng đồng sinh trưởng, dù các em có thể đang trong tình trạng dần mất kết nối”, thạc sĩ Bình chia sẻ.
Cần thay đổi thói quen từ thiện
Theo đó, thạc sĩ Nguyễn Văn Bình chia sẻ, tiếp xúc với những người nuôi dưỡng phải ăn cơm nhờ người thân mỗi ngày để tiết kiệm chi tiêu và duy trì việc chăm sóc trẻ tại gia đình trong khi có nhiều lời đề nghị gửi trẻ đến các cơ sở hỗ trợ nơi học tập, sinh hoạt tập trung.
“Trước tình huống đó, chúng tôi tự hỏi tại sao không tiếp sức mà lại giải quyết khó khăn bằng cách tách trẻ ra khỏi sự khó khăn đó để tiếp tục mặc lên cho chúng một bi kịch mới, hoàn cảnh đáng thương mới là không nơi nương tựa”.
Trong phạm vi dự án, những trường hợp người nuôi dưỡng và trẻ tham gia hoạt động tập huấn có những thay đổi tích cực như giảm áp lực, khó khăn trong đời sống tinh thần và tăng mức độ kết nối.
Sau 1 năm tham gia các hoạt động cùng dự án, trẻ tự nhận thấy quản lý cảm xúc tốt hơn, suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn, tự tin, mạnh dạn hơn; còn phụ huynh đã chủ động tâm sự với con nhiều hơn trước 1,6 lần.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Bình chia sẻ, khó khăn của dự án là hoạt động nhờ gây quỹ cộng đồng. Trong khi đó, thói quen từ thiện của cộng đồng với trẻ em mồ côi thường tập trung nguồn lực ở các trại mồ côi, mái ấm.
“Nhà tài trợ thường bị rung động nhiều hơn hình ảnh trẻ em ở trại mồ côi hơn là một đứa trẻ đang được nuôi dưỡng trong gia đình hoặc cộng đồng. Điều này vô tình làm nguồn lực vốn dĩ cần thiết đầu tư chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng không được quan tâm đúng mức mà chuyển vào các cơ sở chăm sóc”, thạc sĩ Bình cho hay.
PGS-TS Thanh Sang khẳng định hỗ trợ trẻ trên nền tảng gia đình là vấn đề cần có thời gian đủ dài và cần các cơ quan ban ngành, cộng đồng quan tâm hơn để xây dựng một nguồn lực ổn định.
Tọa đàm là hoạt động thường niên của chương trình “Phát triển tri thức thiện nguyện phục vụ cộng đồng” của Quỹ Khởi sự từ tâm, sáng kiến xây dựng và phát triển nền tảng tri thức toàn diện thông qua đào tạo, nghiên cứu, xuất bản và dịch thuật, cung cấp các nguồn lực giáo dục và thông tin chất lượng cao cho các tình nguyện viên và những người hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội.
Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM ngày 8.12.2023 về chính sách đặc thù chăm lo hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 xác định 2 nhóm đối tượng được thụ hưởng.
Nhóm 1 là trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi, sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng hiện nay ông, bà hoặc người nuôi dưỡng đều đã tử vong; nhóm 2 là trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ (hiện trẻ sống chung với cha hoặc mẹ, hoặc trẻ sống chung với người thân) được xác định mức thu nhập theo bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của TP.HCM.
Theo đó, cả 2 đối tượng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và hỗ trợ học phí theo quy định pháp luật. Chỉ khác nhau ở chỗ, nhóm 1 hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng/ trẻ dưới 4 tuổi; hỗ trợ 720.000 đồng/tháng/trẻ từ đủ 4 tuổi đến 16 tuổi; còn nhóm 2 hỗ trợ 600.000 đồng/tháng/trẻ.
Nguồn: thanhnien.vn