Wednesday, November 27, 2024

Vua thánh triều Lê và thông điệp cho hôm nay

Năm 2012, sân khấu IDECAF công diễn vở Vua thánh triều Lê (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Vũ Minh) với sự sang trọng, nghiêm túc, khiến người xem cảm động và nể phục. Đồng thời người ta tìm thấy trong vở kịch những thông điệp cho ngày hôm nay.

GIẢI OAN CHO NGUYỄN TRÃI

Nội dung vở Vua thánh triều Lê kể về hoàng tử Lê Tư Thành con của bà phi Ngô Thị Ngọc Dao sau khi vượt qua bao trở ngại, nguy hiểm đã lên ngôi lấy hiệu Lê Thánh Tông. Đây là vị vua nổi tiếng trong thời Hậu Lê với rất nhiều công trạng cho đất nước. Nhưng trong kịch bản này chỉ tái hiện một lát cắt của cuộc đời ông là giai đoạn giải oan cho trung thần Nguyễn Trãi. Án oan đã 20 năm, dòng họ Nguyễn Trãi ắt chìm sâu vào lòng đất và lòng người, ấy vậy mà Lê Thánh Tông vẫn trăn trở không yên, ông quyết tâm khai quật lại vụ án để rửa oan cho Nguyễn Trãi.

Vua thánh triều Lê và thông điệp cho hôm nay

NSƯT Thành Lộc (vai Lê Thánh Tông) và NSƯT Hữu Châu (vai Nguyễn Lê Quốc công) trong vở Vua thánh triều Lê

ẢNH: H.K

Nhưng việc làm của ông không hề dễ dàng, bởi quanh ông là những thế lực rất mạnh, hoặc là những người từng phò ông lên ngôi, như Nguyễn Lê Quốc công chẳng hạn. Trong khi đó nhà vua vừa lên ngôi không bao lâu, lại rất trẻ tuổi – chỉ mới khoảng đôi mươi. Thế nhưng, Lê Thánh Tông với sự thông tuệ, khôn khéo, bản lĩnh, đã thực hiện được tâm nguyện “lấy vương đạo thay cho bá đạo”, khiến triều thần tâm phục khẩu phục. Nói đúng hơn, thông điệp đó chính là nỗi lòng của Lê Duy Hạnh gửi gắm vào tác phẩm.

Người xem không thể không nhận ra tính thời sự nóng hổi trong vở diễn dù đang kể chuyện ngày xưa. Một xã hội thời đó rất nhiều công thần đang biến chất, ăn chơi, hưởng thụ, xây dựng dinh phủ nguy nga tráng lệ, hà hiếp, bóc lột dân lành, nội bộ tàn sát lẫn nhau… Chính vì vậy Lê Thánh Tông phải ra tay chỉnh đốn và còn cúi đầu xin lỗi trước vong linh Nguyễn Trãi. Lê Duy Hạnh muốn nhấn mạnh rằng “Nếu đã làm sai thì phải sửa và dù là vua cũng phải biết xin lỗi”. Lời xin lỗi chân thành, sự sửa sai chân thành sẽ thu phục được lòng dân, sẽ cứu được giang sơn đất nước, chứ không hề ảnh hưởng đến uy tín, thể diện của người lãnh đạo. Chống tiêu cực đang là vấn đề được người dân quan tâm, nên vở diễn tuy nói chuyện xưa mà rất hợp thời.

NHỮNG DẤU ẤN THĂNG HOA

Vua thánh triều Lê có thể gọi là tập 2 của câu chuyện án oan Nguyễn Trãi.

Bí mật vườn Lệ Chi ra đời năm 2007 cũng tại sân khấu IDECAF, với nội dung đau đớn vì Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, đã chọn thiết kế hai màu đen – trắng, dù sang trọng nhưng vẫn khá âm u, như những âm mưu đang lởn vởn trong hoàng cung. Đến Vua thánh triều Lê thì đạo diễn Vũ Minh chọn tông màu vàng sáng nhẹ, thanh nhã, tươi tắn, như câu chuyện án oan bị gỡ bỏ, trả lại tiếng thơm cho Nguyễn Trãi, cũng là tiếng thơm cho triều Lê.

Thăng hoa nhất chính là hai nghệ sĩ gạo cội Thành Lộc và Hữu Châu đã hoán đổi vị trí cho nhau một cách tuyệt vời. NSƯT Thành Lộc từ nhân vật phản diện là thái giám Tạ Thanh trong Bí mật vườn Lệ Chi vào vai vua Lê Thánh Tông, ngược lại NSƯT Hữu Châu từ vai Nguyễn Trãi ở phần trước giờ hóa thân thành nhân vật phản diện Nguyễn Lê Quốc công, ở vai nào họ cũng diễn xuất sắc. Thành Lộc sáng trưng nét thông tuệ của một đấng minh quân, còn Hữu Châu tuy đóng phản diện với nét dữ dội, uy nghi, nhưng vẫn thể hiện đúng một nhân vật có tầm nhìn, có con mắt xanh nhận ra Lê Thánh Tông là hiền tài nên mới phò lên ngôi. Hai người đều tài giỏi như nhau nên “nhận ra” nhau, chỉ khác là người đi theo vương đạo, người đi theo bá đạo. Nhưng Lê Thánh Tông đã dùng cả trái tim lẫn trí tuệ của mình thuyết phục được Quốc công.

Vua thánh triều Lê và thông điệp cho hôm nay

NSND Thanh Vy (vai Ngô Thị Ngọc Dao) và NSƯT Thành Lộc (vai Lê Thánh Tông)

 

Đoạn đối thoại giữa Lê Thánh Tông và Quốc công là đoạn rất hay, mà thực ra do Thành Lộc và Hữu Châu khi lên sàn tập (đã xin phép tác giả) viết thêm vào cho đầy đặn hơn so với kịch bản gốc. Lê Duy Hạnh rất hài lòng khi các nghệ sĩ thăng hoa như vậy. Chính nhờ những lời thoại sâu sắc, căng thẳng chính – tà, nhưng cũng đầy khí khái hào sảng này đã làm bật lên cái tầm của cả hai nhân vật. Với Hữu Châu, chất giọng nhấn nhá rất giỏi của anh đã góp phần không nhỏ cho nhân vật, khi cất tiếng là người nghe rúng động.

Và xuyên suốt vở là chữ Oan cùng chữ Bình Ngô đại cáo, Đạo trị nước (hai tác phẩm của Nguyễn Trãi) hiện lên làm chủ đạo cho thiết kế, đủ nói lên tinh thần của kịch bản. Khán giả bỗng rưng rưng nhớ lại những áng văn từng học khi còn ngồi ghế nhà trường. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo…”. Xem kịch sử như vậy làm sao không yêu sử cho được! (còn tiếp) 

NSƯT Hữu Châu nói: “Tôi thích cách thể hiện không theo kiểu thẳng băng “ta thắng địch thua”, hoặc “phản diện thì phải xấu toàn diện”. Người tốt hoặc người xấu đều ít khi 100%, mà họ vẫn có một phần nào đó xấu – tốt xen lẫn trong con người. Cho nên nhân vật Quốc công vẫn còn lương tri để phản tỉnh và vẫn có cái tầm của một người tài để cảm phục một người tài khác là Lê Thánh Tông”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img