Có nhiều cách để lý giải tại sao Đà Nẵng lại trở thành ‘thành phố đáng sống’, nhưng theo các chuyên gia cũng như các cấp lãnh đạo, yếu tố con người là động lực mạnh mẽ để địa phương xây dựng và tiếp tục gìn giữ thương hiệu này.
Đà Nẵng thân thiện trong mắt du khách
Trước đó, trả lời Thanh Niên, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để trở thành thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á.
Theo ông Thành, “đáng sống” là khái niệm rất tinh tế chứ không chỉ bắt nguồn từ văn hóa, lịch sử. Đó là nơi để tận hưởng, cống hiến, nghỉ ngơi, giải trí và làm việc. Công dân thành phố được thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, hàng hóa và tối ưu hóa lao động, thu nhập… Thực tế, nhiều thành phố “đáng đến” nhưng chưa chắc đã là nơi “đáng sống”.
Ông Thành nhận định, mỗi người có cách hiểu khác nhau về một nơi đáng sống. Lâu nay, thông qua các cuộc bình chọn hay thông tin trên truyền thông, có thể thấy nhiều tiêu chí đánh giá về nơi đáng sống. Đầu tiên là lối sống. Theo xu thế hiện nay, nơi đáng sống phải đảm bảo các yếu tố: xanh, nhân văn, an toàn, cá tính hóa, cá thể hóa. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu trên thì chưa phải là nơi đáng sống.
Bên cạnh các yếu tố đó, ông Thành cũng đề cập đến yếu tố bản sắc. “Con người Đà Nẵng rất thân thiện, cởi mở, trung thực, sống rất có tình nghĩa, tương trợ lẫn nhau – đó là nét văn hóa có thể cảm nhận được. Nếu thiếu đi bản sắc ấy thì không còn là thành phố đáng sống”, ông Thành nói.
Từ nhiều năm qua, cụm từ “thành phố đáng sống” được người dân cả nước đề cập mỗi khi nhắc đến TP.Đà Nẵng. Du khách đến với thành phố biển ngày càng đông cũng bởi sức hút mạnh mẽ từ những yếu tố làm nên thương hiệu này.
Và đúng như những gì ông Thành đánh giá, du khách đến thành phố hầu hết đều ấn tượng bởi sự an bình, xanh sạch, con người thân thiện, nhân văn… Khi thành phố rộn ràng với nhịp sống thường nhật, đã không ít câu chuyện nhân văn về sự tương trợ lẫn nhau. Khi thành phố “trở bệnh” vì đại dịch Covid-19 mà Đà Nẵng là “tâm dịch” lớn, tinh thần đó lại được thể hiện mạnh mẽ hơn.
Chị Trần Thị Trang, người đã chuyển đến Đà Nẵng sinh sống 10 năm qua, chia sẻ: “Cũng như tôi, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân tìm đến Đà Nẵng sinh sống và tìm cơ hội để mưu sinh. Mà ở thành phố này, tôi cảm nhận được cái tình giữa con người với con người, là nơi an toàn với tỷ lệ tội phạm rất thấp, hiếm có chuyện cướp giật trên đường phố. Không phải nơi nào người dân cũng thoải mái cầm điện thoại ngồi vỉa hè lướt lướt. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ câu hỏi dí dỏm mà tôi thấy vừa đúng vừa thú vị, rằng: có nơi nào để xe máy qua đêm ngoài đường mà không bị mất?”.
“Thành phố đáng sống” là một khát vọng vươn lên
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Đà Nẵng, khi phân tích thương hiệu “thành phố đáng sống” cho rằng đầu tiên là thương hiệu “thành phố 5 không” khởi sự từ năm cuối cùng của thế kỷ 20. Bao gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của.
Theo ông Tiếng, qua mấy năm thực hiện, 2 mục tiêu đầu được “nâng cấp”: không có hộ đặc biệt nghèo và không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế. Rồi lại tiếp tục “nâng cấp” cả chương trình bằng một chương trình khác vừa mang tính kế thừa vừa mang tính phát triển: chương trình “thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị).
Tiếp đó, người Đà Nẵng quyết tâm theo đuổi một thương hiệu đầy khát vọng nữa là chương trình “thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).
“Có thể dễ dàng nhận ra khi đề ra cái “an” thứ nhất là an ninh trật tự, người Đà Nẵng đã kế thừa mục tiêu không có giết người để cướp của trong chương trình “thành phố 5 không”. Hoặc khi đề ra cái “an” thứ tư là an sinh xã hội – lĩnh vực từng làm cho thương hiệu Đà Nẵng tỏa sáng trong cả nước, người Đà Nẵng vừa kế thừa 2 mục tiêu không có người lang thang xin ăn và không có người nghiện ma túy trong cộng đồng trong chương trình “thành phố 5 không”, vừa kế thừa 2 mục tiêu có nhà ở và có việc làm trong chương trình “thành phố 3 có”, ông Tiếng phân tích.
Phân tích thương hiệu “thành phố đáng sống”, ông Bùi Văn Tiếng nhận định, đối với Đà Nẵng hiện nay thì thương hiệu này chỉ mới là một “khát vọng vươn lên”.
“Mặc dầu đã nỗ lực tạo ra cho thành phố mình một sức bật mới, một diện mạo mới rất đáng tự hào và giúp cho khát vọng vươn lên trở thành một thành phố thực sự đáng sống, thực sự thái bình hoàn toàn không phải là hoang tưởng hay ảo tưởng, nhưng người Đà Nẵng vẫn còn phải làm rất nhiều việc để đạt được mục tiêu cao đẹp ấy, với những người lãnh đạo có tầm nhìn xa rộng, với những cán bộ công chức có đạo đức công vụ sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc, với những nhà kinh doanh có cách kiếm tiền và cách tiêu tiền thấm đẫm văn hóa doanh nhân. Và đương nhiên, với những công dân yêu nước luôn đồng thuận với các chủ trương chính sách của Đảng bộ, chính quyền… Tất cả đều nhằm góp phần làm nên thương hiệu Đà Nẵng – “thành phố đáng sống” trong tương lai”, ông Tiếng nói.
Tập trung vào yếu tố con người
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, TP.Đà Nẵng đã đưa vấn đề cải cách hành chính trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, bình đẳng, cạnh tranh, giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 34 của Thành ủy Đà Nẵng. Đây chính là tập trung vào yếu tố con người.
“Chúng tôi cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu để từ đó lan tỏa một tinh thần, khát vọng phát triển TP.Đà Nẵng”, ông Chinh nhấn mạnh.
“Từ yếu tố con người đó, chúng tôi sẽ có động lực mạnh mẽ để tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực đầu tư khu vực công cũng như khu vực tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân thành phố”, ông Chính nói.
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 136, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu phát triển Đà Nẵng ngang tầm vị thế, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của thành phố.
Thủ tướng đánh giá Đà Nẵng là nơi hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cả về thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa – lịch sử.
Nơi đây là đầu mối giao thông quan trọng, có tất cả các loại hình giao thông; có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ; đặc biệt là có nguồn lực con người và truyền thống văn hóa, lịch sử phong phú, truyền thống cách mạng quật cường.
Thủ tướng đánh giá cao việc từ năm 2001, thành phố đề ra kế hoạch thực hiện chương trình “thành phố 5 không”. Đà Nẵng lại tiếp tục với chương trình “thành phố 3 có”. Năm 2016, thành phố đề ra chương trình “thành phố 4 an”.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn không ít khó khăn, thách thức về môi trường, giao thông, hạ tầng y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… “Do đó, phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định, không cầu toàn, không nóng vội, có phương pháp phù hợp, hiệu quả để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và khắc phục những khó khăn, thách thức”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nguồn: thanhnien.vn