Friday, September 13, 2024

Thủ tướng Đức: Hội nghị hòa bình Ukraine cần phải có Nga tham dự

Theo nhà lãnh đạo Đức, Kiev và các nước phương Tây cần tổ chức hội nghị thượng đỉnh để “xem xét có những lựa chọn nào” nhằm giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay, hội nghị hòa bình tiếp theo về xung đột ở Ukraine sẽ sớm được tổ chức và lần này Nga được mời tham dự.

“Chúng ta cần một hội nghị hòa bình khác và lần này Nga phải có mặt tại bàn đàm phán. Đó là nhiệm vụ mà chúng ta cần phải giải quyết ngay bây giờ”, Thủ tướng Scholz phát biểu tại quốc hội Đức ngày 11/9.

Theo nhà lãnh đạo Đức, Kiev và các nước phương Tây cần tổ chức hội nghị thượng đỉnh để “xem xét có những lựa chọn nào” nhằm giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình không có nghĩa là Berlin sẽ ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Hội nghị đầu tiên về hòa bình Ukraine diễn ra vào giữa tháng 6 tại Thụy Sĩ mà không có sự tham gia của Nga. Sự kiện này đã không mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào khi nhiều quốc gia tham dự từ chối ký vào tuyên bố chung.

Nga nói rằng hội nghị tại Thụy Sĩ chỉ tập trung vào “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời tuyên bố không tham dự cho dù nước chủ nhà có đưa ra lời mời.

Cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng, ông mong muốn cuộc xung kết thúc “vào mùa thu này”. Theo ông, để làm được điều đó, NATO phải tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và gia tăng sức ép để Moscow phải đồng ý với “kế hoạch hòa bình” của Kiev.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga “chưa bao giờ từ chối” đàm phán với Ukraine, nhưng nhấn mạnh, các cuộc đàm phán này không thể diễn ra dựa trên những yêu cầu phi thực tế mà phải dựa trên các văn bản đã được nhất trí tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3/2022, thời điểm Moscow và Kiev tổ chức các cuộc đàm phán gần đây nhất.

Khi đó, Kiev sẵn sàng tuyên bố trung lập về mặt quân sự, hạn chế lực lượng vũ trang và ngừng phân biệt đối xử với người Nga. Đổi lại, Moscow sẽ cùng các cường quốc hàng đầu khác bảo đảm an ninh cho Ukraine.

“Văn bản này không có hiệu lực chỉ vì Ukraine được yêu cầu không làm như vậy. Giới lãnh đạo ở Mỹ và một số nước châu Âu muốn nhìn thấy thất bại chiến lược của Nga”, Tổng thống Putin cho hay.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/9 cho biết, Nga hiện không thấy có các điều kiện thích hợp để bắt đầu đàm phán hòa bình nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.

“Chúng tôi nghe được nhiều tuyên bố khác nhau từ các nước châu Âu, nhưng chúng tôi không thấy có bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề này từ quốc gia thực sự đang chỉ đạo toàn bộ quá trình này”, ông Peskov nói.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi