Saturday, September 14, 2024

Đừng để điện thoại biến người học thành ‘tù binh’ của mạng xã hội

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc sử dụng điện thoại ở trường phổ thông cơ bản là hành vi bị cấm. Học sinh chỉ sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên. Với sinh viên, lãnh đạo các trường cũng có những khuyến cáo tránh tình trạng lạm dụng quá mức.

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI TRONG GIỜ HỌC

Không chỉ bậc phổ thông, trường ĐH cũng ban hành các thông báo về việc sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong nhà trường.

Từ năm 2014, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ban hành thông báo về việc sử dụng ĐTDĐ, xuất phát từ tình trạng một số giảng viên và sinh viên (SV) sử dụng điện thoại trong các giảng đường, lớp học, phòng thi, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, hội nghị, hội thảo; làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tập trung làm việc, học tập, thi cử của người khác. Do đó, trường này quy định khi vào giảng đường lớp học, phòng thi, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, hội trường, phòng họp, không để điện thoại chế độ chuông reo.

“Không sử dụng điện thoại và tuyệt đối nghiêm cấm việc giảng viên, người học sử dụng điện thoại, máy tính xách tay làm việc riêng trong lúc coi thi, thi, kiểm tra đánh giá; hoặc tự ý đi ra khỏi lớp học, giảng đường, xưởng thực tập trong các buổi thuyết trình, báo cáo luận văn, hội nghị… để nghe hoặc gọi điện thoại”, thông báo ghi rõ.

Đừng để điện thoại biến người học thành 'tù binh' của mạng xã hội

Nhiều trường ĐH có quy định hạn chế sinh viên sử dụng ĐTDĐ trong giờ học

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trao đổi thêm về việc này, tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường vẫn đang áp dụng theo thông báo năm 2014. Tuy nhiên, tiến sĩ Cầm cho hay, những năm gần đây nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và tạo điều kiện cho SV tra cứu thông tin ở một số môn học. Do đó, nếu được sự cho phép của giảng viên, SV sẽ được phép sử dụng ĐTDĐ hoặc thiết bị thông minh trong giờ học trên lớp với mục đích phục vụ cho việc học tập. Trường trao quyền chủ động cho giảng viên trong việc quản lý và định hướng SV sử dụng điện thoại hiệu quả, đúng mục đích.

“Như vậy, trường vẫn sẽ có những quy định bằng văn bản về việc sử dụng điện thoại đối với SV, nhưng sẽ linh động thay đổi trong một số trường hợp cho phù hợp với thực tiễn phát triển của giáo dục trong và ngoài nước”, tiến sĩ Trần Ái Cầm thông tin thêm.

Từ năm 2009, ĐH Đà Nẵng cũng có thông báo đến tất cả trường thành viên về việc sử dụng ĐTDĐ nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trong giảng đường. Theo đó, cùng với việc nghiêm cấm hút thuốc lá, ĐH này nghiêm cấm SV sử dụng ĐTDĐ (kể cả nghe, gọi, nhắn tin), nói lớn tiếng gây mất trật tự trong giờ học tại giảng đường. SV vi phạm sẽ bị lập biên bản kiểm điểm vi phạm, trừ điểm rèn luyện cá nhân ngay tại chỗ. Vi phạm nhiều lần, SV sẽ bị buộc thôi học.

Không có quy định “cứng”, một số trường ĐH khác đưa nội dung này thành nội quy lớp học hoặc những điều lưu ý với SV. Chẳng hạn, một trong 10 nội quy lớp học của Trường ĐH Mở TP.HCM là “không được nói chuyện riêng, làm việc riêng, không sử dụng điện thoại, không tự ra vào lớp trong giờ học”. Trường ĐH Cần Thơ lưu ý SV “không sử dụng ĐTDĐ gây ảnh hưởng đến người khác khi lên lớp, dự họp”. Còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong quy chế công tác SV có nội dung: “Tuyệt đối không làm việc riêng trong giờ học: ngủ, chơi game, nghe nhạc, coi phim, đọc báo, đọc truyện, nói chuyện, chơi cờ caro, thêu tranh…; sử dụng điện thoại, sử dụng máy vi tính không đúng mục đích, mất trật tự trong giờ học”.

“KHÔNG ĐỂ CÔNG NGHỆ ĐIỀU KHIỂN MÌNH”

Chia sẻ trong lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, bày tỏ mong muốn Trường Phổ thông Năng khiếu phải là nơi không có ĐTDĐ trong lớp học. Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh: “Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành “tù binh” của mạng xã hội và game. “Nhà tù” vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em. Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những công việc phi thường”.

Đừng để điện thoại biến người học thành 'tù binh' của mạng xã hội

ĐTDĐ là một công cụ hữu ích nếu biết sử dụng đúng cách. Tuy nhiên trong giờ học học sinh- sinh viên không nên lạm dụng để sử dụng vào việc riêng và các mục đích khác ngoài học tập

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trong diễn văn chia sẻ trước 2.000 tân SV trúng tuyển vào trường năm nay, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng căn dặn người học: “Đừng chìm đắm trong mạng xã hội, TikTok; hãy sống lành mạnh và quan trọng là cân bằng giữa học tập, giải trí (như chơi game), tránh xa các cạm bẫy như bán hàng đa cấp, và tỉnh táo trước các chiêu trò lừa đảo tinh vi hiện nay…”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh nhìn nhận ĐTDĐ là một công cụ hữu ích nếu biết sử dụng đúng cách. Việc SV sử dụng điện thoại trong học tập, tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu và thực hiện các công việc liên quan đến học tập là hợp lý. Đặc biệt, SV của trường còn áp dụng nó vào học tập và nghiên cứu trong các môn học liên quan đến phát triển các ứng dụng di động, các nghiên cứu khảo sát và bảo mật trên thiết bị di động…

Tuy nhiên, theo PGS-TS Tú Anh, trong giờ học không nên lạm dụng để sử dụng vào việc riêng và các mục đích khác ngoài học tập như lướt web, mạng xã hội, chơi game khiến SV mất tập trung và giảm hiệu quả học tập.

Không chỉ thiết bị điện tử, PGS-TS Tú Anh còn lưu ý người học về việc sử dụng mạng xã hội. “Mạng xã hội giúp chúng ta tìm kiếm kết nối bạn bè, tiếp cận thông tin mới nhanh chóng, tìm kiếm việc làm dễ dàng và nó đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều SV hiện nay, nhưng đồng thời chúng ta cũng dễ bị cuốn vào vòng xoáy của các thông báo, tin nhắn, video hấp dẫn trên đó, dẫn đến giảm năng suất lao động và hiệu quả học tập”, PGS Tú Anh phân tích.

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, công nghệ liên tục phát triển, thế giới thay đổi quá nhanh và không nỗ lực thì chúng ta sẽ dễ bị tụt hậu và bị xã hội đào thải. Chính vì vậy, theo nữ hiệu trưởng, trong những sự đầu tư cho bản thân, bên cạnh nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, làm chủ công nghệ; đó còn là không quên trau dồi các kỹ năng: linh hoạt để học hỏi những cái mới, dễ dàng thích nghi với sự thay đổi…

Giải thích thêm, PGS Tú Anh cho rằng: Để thành công, SV cần học cách quản lý thời gian, quản lý sự tập trung để không phung phí thời gian, năng lượng vào những thứ không quan trọng. Bên cạnh đó, vị hiệu trưởng này nhấn mạnh: “Những nền tảng này dễ dàng gây “nghiện” và khiến chúng ta dễ bị “lệ thuộc” mà dần mất đi khả năng giao tiếp, khả năng thấu cảm, cũng như khiến chúng ta ít vận động hơn và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Thay vì để công nghệ điều khiển mình, SV cần kiểm soát việc sử dụng nó một cách khôn ngoan, cân đối giữa học tập, giải trí và phát triển bản thân”.

Kỹ năng làm chủ công nghệ

Công nghệ liên tục phát triển, thế giới thay đổi quá nhanh và không nỗ lực thì chúng ta sẽ dễ bị tụt hậu và bị xã hội đào thải. Chính vì vậy, SV cần đầu tư cho bản thân nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, không ngừng học hỏi và cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới để làm chủ công nghệ. Việc làm chủ công nghệ sẽ giúp các em tự tin hơn trong nghiên cứu, giải quyết vấn đề và tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá. Ngay cả khi ra trường, những kỹ năng này sẽ giúp các em cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường lao động và sẵn sàng đối mặt với các thách thức trong thời đại hiện nay.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh
(Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi