Wednesday, January 15, 2025

Hai kịch bản ứng phó lũ trên sông Hoàng Long

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng yêu cầu tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến của Bộ NN-PTNT, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để đưa ra quyết định xử lý phù hợp khi nước sông Hoàng Long đang dâng cao.

Chiều 12.9, ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ lụt trên sông Hoàng Long (Ninh Bình).
Hai kịch bản ứng phó lũ trên sông Hoàng Long

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại Ninh Bình

ẢNH: TRƯỜNG GIANG

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra công tác ứng trực, vận hành tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, H.Gia Viễn), Trạm bơm Gia Viễn (H.Gia Viễn) và thăm, tặng quà các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lũ lụt tại Ninh Bình.

Sau khi kiểm tra, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng yêu cầu tỉnh Ninh Bình đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

Hai kịch bản ứng phó lũ trên sông Hoàng Long

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tại Trạm bơm Gia Viễn

ẢNH: PHÚC NGƯ

Đối với tình huống nước sông Hoàng Long tiếp tục dâng cao, nguy cơ phải xả tràn, ông Hưng đề nghị tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến của Bộ NN-PTNT, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Bộ TN-MT để đưa ra quyết định xử trí phù hợp nhất, vừa đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, vừa đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều.

Với tình hình hiện tại, khi nước sông Hoàng Long đã đạt mức 5 m tại Bến Đế, ông Hưng yêu cầu tỉnh Ninh Bình kiên quyết di dời những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, quan tâm đến những người yếu thế, người già, trẻ em, vấn đề y tế, an toàn dịch bệnh trong mưa lũ.

Hai kịch bản khi xả tràn sông Hoàng Long

Cũng trong chiều 12.9, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình họp bàn kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long.

Hai kịch bản ứng phó lũ trên sông Hoàng Long

Những ngày qua, hàng trăm ngôi nhà của người dân tỉnh Ninh Bình ở ngoài đê sông Hoàng Long đã bị ngập

ẢNH: PHÚC NGƯ

Theo quy định về quy trình xả tràn, khi lũ trên sông Hoàng Long ở mức 4,9 m sẽ thực hiện di dân (hiện đã vượt và đã tổ chức di dân).

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng các đơn vị chức năng đã bàn về 2 kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long. Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống thì thực hiện việc tuần tra, canh gác đê để kịp thời xử lý tình huống xấu xảy ra.

Kịch bản thứ 2, nếu trời tiếp tục mưa, lũ vượt mức 5,3 m tại Bến Đế, sẽ tiến hành phân lũ qua tràn Lạc Khoái, mở các tuyến đê cơ Đức Long – Gia Tường, phân lũ qua cống Mai Phương – Địch Lộng vào đầm Cút phù hợp với tình hình thực tế.

Hai kịch bản ứng phó lũ trên sông Hoàng Long

Nếu phải xả tràn sông Hoàng Long sẽ có hàng ngàn nhà dân ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị ngập sâu đến 4 m

ẢNH: PHÚC NGƯ

Về phương án xả tràn, nguyên tắc chung là thực hiện xả tràn khi mực nước lên 5,3 m. Khi lũ đạt đỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình sẽ họp bàn và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và báo cáo Thủ tướng trước khi xả tràn; đảm bảo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho nhân dân.

Sông Hoàng Long là hợp lưu của sông Bôi, sông Đập và sông Lạng, bắt nguồn từ vùng đồi núi của tỉnh Hòa Bình, chảy qua 3 huyện của tỉnh Ninh Bình là Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư trước khi nhập vào sông Đáy. Chiều dài sông Hoàng Long đoạn qua Ninh Bình là 31 km. Trong lịch sử từng xả tràn sông Hoàng Long và mỗi lần xả tràn xong phải mất 1 – 2 tháng nước mới rút hết.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img