Chuyên gia cảnh báo không phải cứ có mưa to mới gây sạt lở, lũ quét bùn đá. Người dân ở vùng núi, trung du cần cảnh giác với tình trạng mưa kéo dài.
Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, trượt lở đất đá (người dân vẫn quen gọi là sạt lở) nhìn chung được định nghĩa như là các hiện tượng tai biến địa chất liên quan đến sự dịch chuyển của vật liệu đất, đá, mảnh vụn từ trên sườn dốc xuống phía dưới và ra phía ngoài dưới tác động của trọng lực. Các hiện tượng này có thể xảy ra trên bất kỳ địa hình nào khi các điều kiện về vật chất, độ ẩm và độ dốc của sườn cho phép. Một số quá trình phá hủy khác cũng nằm trong định nghĩa trượt lở đất đá như dòng bùn, trượt bùn, dòng mảnh vụn, đá đổ, đá rơi, mảnh vụn đổ, dòng đất. Yếu tố kích hoạt trượt lở đất đá có thể là ngoại sinh, nội sinh hoặc nhân sinh.
Các hiện tượng thời tiết thất thường gây mưa lớn cùng các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy quá trình trượt lở đất đá phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng. Thiệt hại về người, cơ sở vật chất và môi trường do trượt lở đất đá gây ra thường nghiêm trọng hơn so với nhận thức và đánh giá hiện nay của xã hội. Theo một thống kê thiệt hại về người do thiên tai trên thế giới thì có tới 89,6% số người chết do các sự cố trượt lở đất đá xảy ra sau mưa to kéo dài.
Trong thế kỷ 20, số người chết vì trượt lở đất đá, lũ quét là vô cùng nghiêm trọng. Tại những khu vực có nguy cơ cao với đa thiên tai, xu hướng này dường như còn tăng cao hơn trong thế kỷ 21. VN là một trong số những nước chịu thiệt hại nhiều về người do trượt lở đất đá (cùng với Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh…).
Nhìn chung, các trận lũ quét, lũ bùn đá xảy ra tại các vùng núi, trung du VN hầu như đều liên quan đến trượt lở đất đá. Trượt lở đất đá, lũ quét nếu cùng xảy ra trong phạm vi một lưu vực thì chúng có liên quan mật thiết với nhau, trong đó thiên tai này có thể là nguyên nhân hoặc hậu quả của thiên tai kia. Các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi trượt lở đất đá, lũ quét điển hình như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Không cứ mưa to mới có trượt lở đất đá
Theo TS Trịnh Xuân Hòa, đáng chú ý là phần lớn những trận thiên tai trượt lở, lũ quét nêu trên đã xảy ra vào những ngày không phải có lượng mưa cao nhất trong toàn bộ thời gian xảy ra các trận mưa lớn, mà có tác động của sự tích lũy lượng mưa trong nhiều ngày trước đó, thậm chí có thể là đợt mưa dài gần một tháng. Do vậy, việc cảnh báo nguy cơ thiên tai kích hoạt do mưa như trượt, sạt, lở đất đá, lũ bùn đá, lũ quét không thể chỉ dựa vào lượng mưa thời đoạn 6 giờ, 12 giờ, 24 giờ hay một vài ngày, mà phải quan tâm đến tổng lượng mưa cả đợt trong nhiều ngày.
Chẳng hạn, các trận trượt lở, lũ bùn đá xảy ra tháng 10.2020 tại các tỉnh miền Trung do sự tích lũy lượng mưa trong nhiều ngày, thậm chí có thể tới một tháng như đã xảy ra ở trạm kiểm lâm 67 (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị).
Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã từng được giao chủ trì công tác “Xây dựng ngưỡng tổng lượng mưa lớn nhất gây sạt lở đất”. Theo nhóm thực hiện công tác, ở VN có nhiều nhà khoa học quan tâm tới vấn đề này. Họ đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau xác định ngưỡng mưa kích hoạt tai biến trượt lở ở các khu vực khác nhau thuộc miền núi, trung du VN.
TS Trịnh Xuân Hòa nói: “Các kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi khu vực lại có một ngưỡng mưa khác nhau và không thể lấy ngưỡng mưa của khu vực này áp dụng cho khu vực khác. Điều này phản ánh sự khác biệt về đặc tính mưa, sự khác biệt về đặc điểm địa hình, thành phần cơ lý đất đá của các khu vực miền núi VN.
Như vậy, việc xác định ngưỡng mưa kích hoạt tai biến trượt lở phụ thuộc đặc điểm riêng của từng khu vực nghiên cứu như đặc tính mưa, độ che phủ của thực vật, đặc tính cơ lý đất và đặc điểm địa hình địa mạo. Ngoài ra, việc thu thập chính xác ngày xảy ra tai biến trượt lở và lượng mưa có trước cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để xác định tổng lượng mưa lớn nhất kích hoạt tai biến dựa theo các sự kiện lịch sử để thành lập các phương trình ngưỡng mưa thể hiện mối quan hệ giữa lượng mưa ngày và lượng mưa có trước”.
Cần xây dựng hệ thống thông tin – cảnh báo sớm
TS Trịnh Xuân Hòa nêu ý kiến: “Dưới tác động của biến đổi khí hậu (chủ yếu đến từ sự thay đổi chế độ mưa), trượt lở đất đá và lũ quét có khả năng xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp, khó lường hơn, sức phá hoại lớn hơn ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội. Để giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá, lũ quét, chúng ta cần điều tra, đánh giá chi tiết và xây dựng hệ thống thông tin – cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du VN.
Kết quả đạt được sẽ cung cấp thông tin cảnh báo về các mức độ nguy cơ để các cơ quan phòng chống thiên tai nhanh chóng đưa ra biện pháp ứng phó. Đồng thời, hỗ trợ các nhà quy hoạch và chính quyền địa phương xác định được vùng nguy hiểm và an toàn, từ đó xây dựng được kế hoạch phù hợp để phòng tránh và giảm thiểu được tác động của trượt lở đất đá, lũ quét trong thời gian tiếp theo”.
Nguồn: thanhnien.vn