Wednesday, January 15, 2025

Minh bạch các khoản thu đầu năm học

Trường học tại TP.HCM đang xây dựng mức thu dựa trên danh mục các khoản thu đã được Sở GD-ĐT hướng dẫn, trong đó hầu hết giữ mức thu như năm trước, ngoài tiền ăn có sự điều chỉnh.

Căn cứ Nghị quyết 13 của HĐND TP.HCM ban hành về các khoản thu áp dụng cho năm học 2024 – 2025, có 9 khoản thu dịch vụ đã được HĐND quy định rõ mức thu. Còn lại trên cơ sở ý kiến góp ý của Sở Tài chính, Sở GD-ĐT đã quy định cụ thể danh mục 17 khoản thu khác phục vụ hoạt động giáo dục trong nhà trường, theo từng bậc học.
Minh bạch các khoản thu đầu năm học

Các địa phương tại TP.HCM đang xây dựng các mức thu trong năm học mới theo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

KHÔNG CÀO BẰNG CÁC MỨC THU

Từ danh mục đã quy định, Sở GD-ĐT yêu cầu ở các địa phương, phòng GD-ĐT phối hợp với phòng tài chính kế hoạch, căn cứ trên kế hoạch hoạt động, dự toán thu chi và đề xuất mức thu của từng đơn vị giáo dục để thống nhất khung mức thu phù hợp với tình hình thực tế từng nơi. Sở cũng yêu cầu không cào bằng các mức thu trước khi tổ chức thực hiện, đồng thời phải kiểm soát không để phát sinh bất kỳ khoản thu nằm ngoài quy định…

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý các địa phương khi tổ chức nội dung và mức thu đảm bảo có tính kế thừa đã thực hiện theo quy định từ năm học 2023 – 2024. Ngay từ đầu năm học, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh (HS) để chủ động xây dựng dự toán thu, chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ và sử dụng các khoản thu đúng mục đích. Thực hiện công khai kế hoạch thu, chi của từng khoản thu đến phụ huynh HS trước khi thực hiện. Mức thu đảm bảo tương xứng với chất lượng dịch vụ GD-ĐT. Tỷ lệ tăng mức thu năm học 2024 – 2025 (nếu có) không quá 15% so với năm học 2023 – 2024.

NHỮNG KHOẢN THU THỎA THUẬN VỚI PHỤ HUYNH

Hiện nay các trường học tại TP.HCM đang lấy ý kiến phụ huynh HS về mức các khoản thu thực hiện cho năm học này.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, tại Q.1, tất cả trường từ mầm non cho đến THCS đều giữ nguyên các khoản thu so với năm học trước, ngoại trừ tiền suất ăn trưa bán trú.

Bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), cho biết sau khi họp với phụ huynh HS đi đến thống nhất mức của các khoản thu thực hiện trong trường sẽ được giữ nguyên như năm học trước. Riêng mức tiền suất ăn trưa bán trú thì phụ huynh đề xuất điều chỉnh từ 35.000 đồng/ngày lên thành 40.000 đồng/ngày cho năm học này.

Còn ở bậc THCS, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết: Trước năm học 2023 – 2024, Trường THCS Nguyễn Du và các trường công lập của Q.1 đã áp dụng tiền ăn trưa bán trú là 40.000 đồng/ngày. Khi thực hiện theo Nghị quyết 04 thì còn 35.000 đồng/ngày. Chính vì vậy, các trường phải cân đối và cắt giảm một số món ăn để phù hợp. Trong khi đó, phụ huynh mong muốn và sẵn sàng đóng số tiền như trước để bữa ăn trong trường cho các con được phong phú, đa dạng. Tuy nhiên các trường không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Đến năm học 2024 – 2025, khi áp dụng Nghị quyết 13 thì tiền suất ăn bán trú là khoản tiền nhà trường được phép thỏa thuận với phụ huynh. Chính vì vậy Trường THCS Nguyễn Du đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh HS các khối lớp đồng thuận trở về mức suất ăn bán trú là 40.000 đồng/ngày. Bà Trang cho rằng việc thay đổi này là phù hợp trong bối cảnh mỗi địa phương, trường học có đặc thù riêng về địa bàn dân cư, điều kiện kinh tế cũng như đối tượng HS.

Còn bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho biết trường sẽ thảo thuận và thống nhất điều chỉnh với phụ huynh tiền ăn trưa bán trú từ 33.000 đồng/ngày lên thành 35.000 đồng/ngày.

Tương tự theo ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, hiện các trường học của quận này đang tổ chức họp và thống nhất các khoản thu. Chủ trương của các trường là giữ nguyên các mức thu, trừ tiền ăn bán trú, các trường tự thỏa thuận với phụ huynh mức giá phù hợp với thực tế và địa bàn nơi trú đóng, đồng thời phải đảm bảo đủ dinh dưỡng theo từng bậc học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Các trường nếu có điều chỉnh tăng so với năm trước liền kề thì phải giải trình, công khai minh bạch và có sự đồng thuận với phụ huynh.

Minh bạch các khoản thu đầu năm học

Tiền ăn bán trú là một trong những khoản trường học được thu theo thỏa thuận với phụ huynh học sinh

ẢNH: THÚY HẰNG

QUYẾT LIỆT CHỐNG LẠM THU

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho hay nguyên tắc xây dựng các mức thu sao cho đủ điều kiện để các trường thực hiện, đảm bảo chất lượng dịch vụ và không là gánh nặng của phụ huynh HS. Đồng thời, ông cũng cho rằng phụ huynh phải tham gia ngay từ đầu việc xây dựng mức thu để hạn chế tối đa thắc mắc sau này cũng như xảy ra tình trạng lạm thu trong nhà trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu lưu ý với các khoản thu thỏa thuận trong năm học 2024 – 2025, nhà trường phải đảm bảo nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh, dựa trên nhu cầu HS, với mục đích duy nhất là hướng đến phục vụ quyền lợi HS, nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, phải minh bạch, rõ ràng, công khai, dân chủ…

Ông Hiếu yêu cầu mỗi hiệu trưởng phải tập trung cao độ triển khai đúng tinh thần. Các khoản thu phải thông qua hội đồng trường, có sự tham gia của phụ huynh HS ngay từ đầu.

“Ví dụ khoản mua sắm trang phục phải có phụ huynh cùng tham gia, bàn bạc về mẫu mã, chất liệu, giá thành. Cũng như dịch vụ giảng dạy với giáo viên nước ngoài thì nhà trường minh chứng qua kết quả giảng dạy trong năm học trước, cùng bàn bạc với giáo viên, phụ huynh để triển khai, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh. Hiệu trưởng là người quyết định lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định”, Giám đốc Sở GD-ĐT nêu dẫn chứng.

Người đứng đầu ngành giáo dục TP yêu cầu tuyệt đối không để ngay đầu năm mà có hoạt động thu chi không rõ ràng, không minh bạch trong nhà trường. “Hiệu trưởng nào làm sai, phòng GD-ĐT phải có biện pháp xử lý. Hiệu trưởng các trường THPT khi sai thì tôi sẽ trực tiếp xử lý. Chúng ta phải quyết liệt với nhau như vậy, trước hết là vì quyền lợi của học trò nhưng còn vì là danh dự của nhà giáo. Đầu năm học và khi tổ chức sơ kết học kỳ 1 chỉ nên cùng nhìn nhận trường học đã làm được rất nhiều thứ cho học trò chứ không phải ngồi lại kiểm điểm xem trường này làm đúng cái này, sai cái kia…”, ông Hiếu nhấn mạnh.

9 khoản thu dịch vụ trường công lập được phép thu

Dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý vệ sinh bán trú; Dịch vụ phục vụ ăn sáng; Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa, không bao gồm tiền ăn); Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm các ngày lễ, tết, không bao gồm tiền ăn); Dịch vụ nhân viên nuôi dưỡng; Dịch vụ khám sức khỏe HS ban đầu; Dịch vụ sử dụng máy lạnh; Dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Dịch vụ đưa rước trẻ, HS bằng ô tô.

17 khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục trong nhà trường

Tiền tổ chức 2 buổi/ngày; Tiền tổ chức dạy tăng cường môn ngoại ngữ; Tiền tổ chức dạy tin học; Tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và chương trình nhà trường; Tiền tổ chức dạy học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên; Tiền tổ chức dạy bổ sung kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên; Tiền tổ chức các lớp học theo đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; Tiền tổ chức các lớp học theo đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho HS phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 – 2030”; Tiền tổ chức thực hiện đề án “Trường thực hiện chương trình chất lượng cao, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”; Tiền thực hiện chương trình kích cầu đầu tư; Tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ HS bán trú; Tiền mua sắm đồng phục HS; Tiền học phẩm – học cụ – học liệu; Tiền suất ăn trưa bán trú; Tiền suất ăn sáng (đồng/HS/ngày); Tiền nước uống (đồng/HS/tháng); Tiền trông giữ xe HS (đồng/xe/lượt).

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img