Wednesday, January 15, 2025

”Sống ngâm da, chết ngâm xương” ở rốn lũ Kênh Gà

Những ngày này, hơn 2.500 người ở Kênh Gà (xã Gia Thịnh, H.Gia Viễn, Ninh Bình) đang sống giữa tứ bề nước lũ. Năm nào cũng vậy, hễ có lũ là cả vùng lại bị nhấn chìm.

Nấu cơm trên thuyền

Mùa lũ, đến bữa cơm, chị Nguyễn Thị Huyền (38 tuổi, ngụ thôn 2 Kênh Gà) lại ngồi trên chiếc thuyền dài chưa đầy 2 m để nấu cơm. Chiếc thuyền được neo buộc vào phần còn lại của song cửa sổ ngôi nhà của gia đình, vốn đang bị ngập sâu hơn 2 m.

Gia đình chị Huyền có 6 người, nhưng bố mẹ chồng đang phải chăm sóc nhau ở bệnh viện, 2 con nhỏ chị phải gửi người thân ở xã khác vì nhà bị ngập không còn chỗ ở. Vợ chồng chị ở lại trông nom mấy cánh cửa để không bị bung ra làm trôi mất tài sản trong nhà, dù tất cả tài sản đang chìm nghỉm trong nước lũ nhiều ngày qua.

'Sống ngâm da, chết ngâm xương' ở rốn lũ Kênh Gà

Những ngày qua, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền phải nấu cơm trên chiếc thuyền nhỏ

ẢNH: MINH HẢI

“Vợ chồng tôi kinh tế cũng eo hẹp nên chưa xây được nhà 2 tầng, phải ở nhà cấp 4. Ở nhà cấp 4 thì lúc nước lũ dâng là không còn chỗ ở. Nhiều nhà khác ở Kênh Gà người ta xây 2 hoặc 3 tầng thì có chỗ ngủ. Hôm lũ lên, vợ chồng tôi chỉ kịp treo được cái máy giặt, khênh được cái tủ lạnh, cái bếp gas lên thuyền, còn tất cả chìm hết, ngập hết. Bố mẹ thì trông nhau ở bệnh viện, hai đứa con phải đi gửi rồi, vợ chồng tôi ở lại nhờ thực phẩm cứu trợ rồi nấu cơm trên chiếc thuyền này. Tối đến, hôm không mưa thì leo lên mái tôn ngủ ngoài trời, mưa thì lại chui xuống thuyền rồi kéo thuyền vào trú dưới mái tôn để tránh mưa”, chị Huyền kể về cuộc sống những ngày qua và những ngày tiếp theo khi nước lũ trên sông Hoàng Long vẫn cao, chưa biết khi nào chị cùng hơn 2.500 người dân ở Kênh Gà mới chạm tới mặt đất.

'Sống ngâm da, chết ngâm xương' ở rốn lũ Kênh Gà

Hơn 2.500 nhân khẩu ở Kênh Gà bao đời nay sống chung với lũ

ẢNH: MINH HẢI

Cách nhà chị Huyền không xa, vợ chồng ông Trần Văn Mai (42 tuổi, ngụ thôn 3 Kênh Gà) ăn cho qua bữa cơm trên gác xép rộng chưa đầy 4 m2. Ông Mai bị mắt kém bẩm sinh nên càng khó khăn khi đi lại trong những ngày lũ lớn.

“Mắt tôi kém bẩm sinh, nhưng cũng còn nhìn được. Tôi vừa cùng anh hàng xóm chèo thuyền đến điểm tập kết xin đồ cứu trợ, xin ít nước sạch, mì tôm về cho vợ nấu cơm. Nhà tôi mới xây nhưng chỉ có tiền xây được một tầng, may có cái gác xép trên cao hơn chưa bị ngập nên vợ chồng chui vào đó ngủ. Đồ đạc trong nhà thì cũng kịp chạy lên mái rồi lấy bạt che lại. Mấy con chó cũng lên đó luôn”, ông Mai kể.

Nhà ông Mai, chị Huyền là 2 trong hơn 680 ngôi nhà ở vùng Kênh Gà những ngày qua đang bị ngập sâu từ 1,5 – 2 m. Người dân không bị đói, nhưng thiếu thốn, và đặc biệt là nguy hiểm luôn rình rập bởi khi nước sông Hoàng Long dâng thì toàn bộ khu vực Kênh Gà nằm trong dòng chảy chính, trong lòng sông.

Sống chung với lũ

Kênh Gà là vùng ngoài đê, giữa dòng chảy sông Hoàng Long khi nước lũ dâng. Vì thế, kể từ hàng trăm năm trước khi người dân các nơi về an cư, trải qua bao đời, họ đều phải sống chung với lũ. Thường thì năm nào nhà dân ở Kênh Gà cũng bị ngập, nhẹ thì lên đến nền nhà, nặng như các năm 1985, 2017, và đợt lũ đang diễn ra hiện nay, nước ngập gần hết tầng 1.

'Sống ngâm da, chết ngâm xương' ở rốn lũ Kênh Gà

Hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu trong dòng nước lũ sông Hoàng Long

 

Cũng vì cảnh sống chung với lũ bao đời qua mà người dân Kênh Gà đúc kết lại bằng câu “Sống ngâm da, chết ngâm xương” để miêu tả cuộc sống ở đây. Khi sống thì ngâm mình bì bõm trong dòng nước lũ, khi chết thì an nghỉ ở nghĩa trang nhưng mỗi khi nước lũ đổ về, cả nghĩa trang cũng không còn thấy nấm mồ nào, tất cả đều chìm trong nước.

Ông Trần Văn Đàm (63 tuổi), sinh ra và lớn lên ở thôn 2 Kênh Gà, nên hiểu hơn ai hết lũ sông Hoàng Long như thế nào, về những khó khăn mà lũ mang đến nhưng cũng có những thuận lợi khi sống bên dòng Hoàng Long.

“Sống ngâm da, chết ngâm xương, chúng tôi thường nói vui như vậy để khái quát về đời người ở Kênh Gà. Dân chúng tôi chấp nhận sống chung với lũ rồi. Lũ làm cuộc sống khó khăn hơn, lũ lớn thì 7 ngày, thậm chí 10 ngày nước mới rút hết, mới đặt chân được xuống đất, còn không cũng chỉ lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ mong chờ ngày nước rút. Dù vậy, sông Hoàng Long cũng tạo thuận lợi cho dân Kênh Gà. Xưa kia người dân nhờ sông mà đánh bắt cá tôm mưu sinh. Nay đời sống khá hơn chút nhờ dựa vào dòng sông là tuyến sông lưu thông, chuyên chở vật liệu đá, cát, than… đi các tỉnh nên nhiều gia đình đóng thuyền lớn vận chuyển hàng hóa. Cũng từ đó, nhiều gia đình có điều kiện xây nhà 2 – 3 tầng, mà trên hết là để có nơi ở khi lũ lên”, ông Đàm kể.

Lặn mò đất giữa dòng nước để đắp mộ

Người sống đã gian nan, vất vả với lũ, người chết ở Kênh Gà cũng trong tình cảnh tương tự, khi nước sông Hoàng Long dâng thì nghĩa trang lại là nơi ngập đầu tiên bởi khu vực này thấp hơn nền đất người dân ở. Cả 3 thôn ở Kênh Gà hiện nay vẫn sử dụng chung một khu nghĩa trang ở chân núi, cách khu dân cư không xa. Những ngày qua, hàng trăm ngôi mộ trong nghĩa trang Kênh Gà chìm trong nước.

'Sống ngâm da, chết ngâm xương' ở rốn lũ Kênh Gà

Vợ chồng anh Trần Văn Mai sống tạm bợ trong gác xép chưa đầy 4 m2

'Sống ngâm da, chết ngâm xương' ở rốn lũ Kênh Gà

Những ngày nước lũ đổ về, nhiều gia đình phải sinh hoạt trên các mái nhà

'Sống ngâm da, chết ngâm xương' ở rốn lũ Kênh Gà

Một cụ bà ở Kênh Gà ngồi trên chiếc thuyền nhỏ đẩy từng mảng bèo để không cho trôi dạt vào ngôi nhà đang bị ngập

Chưa hết, ông Trần Hoàng Anh, Trưởng thôn 3 Kênh Gà, cho biết 14 năm làm trưởng thôn, không ít lần ông chứng kiến cảnh người dân chèo thuyền đi lặn lấy đất đắp mộ cho người chết. Bởi lẽ, khu vực chân núi nơi chôn cất người đã khuất không có đất, núi thì là núi đá. Mới đây, người dân trong thôn đã phải đi lặn lấy đất đắp mộ cho một ông cụ trong thôn vừa mất.

“Giữa tháng 7 âm lịch vừa rồi có một cụ ông trong thôn ốm yếu, bác sĩ tiên lượng khó qua khỏi. Mấy hôm đó nước lũ dâng cao, nghĩa trang đã bị ngập rồi, còn nhà dân thì chưa ngập sâu như bây giờ. Lo lắng nước lũ tiếp tục lên nên mấy hôm đó người thân rồi bà con trong thôn cùng nhau chèo thuyền, lặn đi mò lấy đất dưới lòng sông. Đến ngày 20.7 âm lịch (ngày 23.8 – PV), cụ ông đó qua đời. Cũng may có đất mò lặn từ trước rồi nên khi chôn cất có đất để đắp mộ. Những năm trước cũng vậy, nếu vào các đợt lũ, khi có người mất, nhất là mất đột ngột thì bà con lại phải đi lặn mò lấy đất đắp mộ chứ không thì không biết lấy ở đâu”, ông Anh kể.

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND H.Gia Viễn, cho biết người dân Kênh Gà đã quen với cảnh sống chung với lũ. Để giải quyết những vấn đề cấp thiết, sắp tới chính quyền sẽ kéo đường ống nước sạch về đây để khi có lũ xảy ra, người dân sẽ không còn cảnh thiếu nước sạch như hiện tại.

“Để bớt khó khăn hơn, ứng phó với lũ, người dân Kênh Gà nhiều năm qua đã xây dựng nhà kiên cố, nhà cao tầng để khi nước lũ dâng có thể di chuyển lên tầng 2, tầng 3 để ở”, ông Tam cho hay.

Sông Hoàng Long là hợp lưu của sông Bôi, sông Đập và sông Lạng, bắt nguồn từ vùng đồi núi của tỉnh Hòa Bình, chảy qua 3 huyện của tỉnh Ninh Bình là Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư trước khi nhập vào sông Đáy. Chiều dài sông Hoàng Long đoạn qua Ninh Bình là 31 km. Trong lịch sử cũng từng xả tràn sông Hoàng Long và mỗi lần xả tràn xong phải mất 1 – 2 tháng nước mới rút hết.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img