Dù tất bật với công tác chuyên môn, nhưng 13 năm qua trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương, Đội trưởng Đội tham mưu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vẫn nỗ lực kết nối với nhiều tấm lòng nhân ái, san sẻ yêu thương cho trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Đồng Xuân.
Không riêng thượng tá Nguyễn Quang Thắng – Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, nhiều đồng nghiệp khác đều có cùng nhận xét, nếu như trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương là một cán bộ năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì từ năm 2006 đến nay với chức trách Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân, chị luôn tâm nguyện chia sẻ yêu thương cho mọi người là niềm vui và hạnh phúc của chính mình. Nổi bật nhất là 13 năm qua (2011-2024), Thùy Dương đã mang niềm vui đến nhiều người dân ở huyện Đồng Xuân bằng những hoạt động xã hội – từ thiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Điểm lại hành trình thiện nguyện, trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: “Mỗi chuyến đi công tác về các xã trong huyện, tôi vẫn thường tìm hiểu đời sống của nhiều gia đình đồng bào DTTS, nhất là trẻ em, học sinh. Trăn trở trước những hình ảnh nhiều em học sinh thiếu sách vở, áo ấm mùa đông và có em còn đi chân đất, giữa năm 2011 tôi đề xuất ý tưởng mô hình ‘Hộp tiền tiết kiệm’ tiếp bước cho học sinh nghèo đến trường. Mô hình đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đồng Xuân, tất cả đều tự nguyện trích 10.000 đồng từ tiền lương mỗi tháng, kết hợp vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mặt và hiện vật để tham gia. Từ nguồn quỹ này, tôi cùng tập thể Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân mang niềm vui đến nhiều thôn, xã trong vùng đồng bào DTTS khi đã trao tặng 3.000 tập vở, 300 áo ấm và 300 đôi giày cho học sinh”.
Niềm vui nhân lên từ hiệu quả của “Hộp tiền tiết kiệm”, Thùy Dương tiếp tục vận động xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình “Tủ đồ nhân ái”, thu hút sự quan tâm hỗ trợ tích cực của đông đảo cán bộ, chiến sĩ công an huyện Đồng Xuân cùng nhiều người dân địa phương. Hơn 3.000 bộ quần áo tiếp nhận được từ mô hình này đã được chuyển đến phụ nữ và trẻ em nghèo ở nhiều buôn làng miền núi.
“Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm”
Trong một chuyến công tác cuối năm 2021 tại thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang, tình cờ trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương nhìn thấy cậu bé La Thanh Đạm – dân tộc Chăm, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Suối Cối 2 cùng người mẹ khuyết tật và đứa em nhỏ đang ngồi trong căn nhà tranh vách nứa đã xuống cấp xập xệ. Chạnh lòng khi nghe cậu bé nói đến mơ ước có bữa cơm no, trung tá Dương sử dụng điện thoại quay video rồi đăng tải “Điều ước cho em” trên trang Facebook “Phụ nữ Công an Đồng Xuân”.
Sức lan tỏa của video đã đánh thức nhiều tấm lòng nhân ái, và Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân sau đó trao tặng cho cậu bé xe đạp, sổ tiết kiệm 3 triệu đồng cùng nhiều quần áo đồng phục, ba lô, sách vở, nhu yếu phẩm. Cũng từ đó, La Thanh Đạm trở thành đứa con đầu tiên của những người “mẹ đỡ đầu” ở Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân với số tiền hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng. Đặc biệt, trung tá Dương đã vận động một nhà hảo tâm ở TP.HCM hỗ trợ 50 triệu đồng, trực tiếp đề xuất chính quyền địa phương ưu tiên nguồn kinh phí xóa nhà tạm để xây dựng căn nhà 60m2, kết cấu vách xây, mái ngói, trị giá 143 triệu đồng cho gia đình cháu Đạm.
Từ giữa năm 2022, trung tá Dương tiếp tục kết nối mở rộng đến nhiều nhà hảo tâm ở TP.HCM để tạo nguồn kinh phí cho 14 “đứa con đỡ đầu” là học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi em trong năm cho đến khi đủ 18 tuổi. Và sau một cuộc khảo sát hoàn cảnh 13 đứa con còn đang được đỡ đầu, cuối tháng 3.2024, trung tá Dương cùng các đồng nghiệp ở Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân kết nối với Agribank Phú Yên xin hỗ trợ 50 triệu đồng rồi vận động quyên góp 120 triệu đồng để xây dựng căn nhà tình nghĩa 80m2, kết cấu vách xây, mái tôn, nền gạch men cho cháu Mang Thị Ny, dân tộc Chăm, học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Viết Xuân ở xã Đa Lộc. Nhờ đó, nữ sinh cùng người anh trai mồ côi cha mẹ xóa bỏ căn nhà nhỏ xuống cấp, nắng mưa dọi dột.
Đầu năm 2024, trung tá Dương cùng đồng nghiệp khảo sát tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở xã Xuân Lãnh, nỗ lực kết nối, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 140 triệu đồng để tổ chức khoan 2 giếng nước cho hơn 30 hộ gia đình (gồm 157 người dân và gần 200 học sinh tiểu học) là đồng bào dân tộc Chăm, Ba Na ở hai thôn Hà Rai, Soi Nga. Ông Mang Thạch, già làng ở Soi Nga bày tỏ: “Mấy năm trước cứ đến mùa khô thì bà con làng này đều phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Từ khi có 2 giếng khoan, mọi người rất vui vì có nguồn nước sinh hoạt ổn định. Bà con thật sự biết ơn tấm lòng san sẻ yêu thương của cô Dương nói riêng và cán bộ, chiến sĩ Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân nói chung”.
Không chỉ xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình “Hộp tiền tiết kiệm”, “Tủ đồ nhân ái”, “Mẹ đỡ đầu”, mà 13 năm qua trung tá Dương đã cùng tập thể Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân cất công vận động nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ để trao tặng hơn 1.100 suất quà có tổng trị giá gần 500 triệu đồng cho các hộ gia đình khó khăn, học sinh nghèo; đồng thời tổ chức nhiều chương trình đậm chất nhân văn trong những dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, khai giảng năm học mới… tạo sự lan tỏa tình yêu thương ấm áp đến với nhiều người, nhiều làng quê ở huyện miền núi Đồng Xuân.
Về hoạt động thiện nguyện mà mình cùng đồng đội đã thực hiện 13 năm qua, trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: “Chúng tôi chỉ làm chiếc cầu nối những tấm lòng thiện nguyện, chia sẻ yêu thương cho học sinh nghèo và những hoàn cảnh thật sự khó khăn ở vùng đồng bào DTTS nơi mình đang sinh sống. Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn ‘việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm’, vì thế trong thời gian tới tôi cùng đồng đội của mình tâm nguyện tiếp tục nỗ lực trong hoạt động xã hội – từ thiện. Đó cũng là một trong những hành động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đời sống xã hội thêm nhân văn, tốt đẹp”.
“Những hoạt động thiện nguyện của trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương và Hội Phụ nữ Công an huyện Đồng Xuân đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người dân địa phương, cần được nhân rộng điển hình để góp phần lan tỏa nét đẹp nhân văn trong đời sống xã hội”, ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nhìn nhận.
Nguồn: thanhnien.vn