Chính phủ Úc đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của các ĐH công lập từ năm 2025, trong đó ghi nhận nhiều trường tăng và giảm khác nhau. Trước động thái này, các trường liệu có thay đổi chính sách tuyển sinh người Việt?
Chính phủ Úc gần đây đề xuất giới hạn số du học sinh tuyển mới tại các cơ sở giáo dục từ năm 2025 ở mức 270.000, với 145.000 ở ĐH công lập, 95.000 ở trường nghề và đang chờ quốc hội nước này thông qua. Đầu tháng 9, trong phiên điều trần với Thượng viện Úc, chính phủ liên bang cũng chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh ở ĐH công lập, với số lượng tăng và giảm khác nhau so với năm tài khóa trước đó.
Dự luật trên nếu được thông qua sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2025. Trong bối cảnh đó, các trường tại Úc đang có động thái ra sao khi đang vào mùa tuyển sinh cho kỳ tháng 2 năm sau?
Một trường ngừng tuyển bậc nghề
Trao đổi với Thanh Niên ở triển lãm du học bang New South Wales (Úc) hôm 14.9, anh Hunter Trinh, Quản lý tuyển sinh thị trường Việt Nam của trường TAFE NSW – hệ thống dạy nghề công lập lớn nhất Úc, nhận định thời gian qua tình hình “rất căng thẳng” khi Việt Nam chỉ có vài phần trăm đậu visa du học nghề ở trường hồi tháng 3. Đó là lý do trường quyết định ngừng tuyển sinh bậc nghề tại Việt Nam đến khi có thông báo mới.
“Hiện tại, chúng tôi đánh mạnh vào mảng giáo dục ĐH, nhất là cho kỳ tháng 2 sắp tới. Tại Úc, dù học cử nhân ở trường nghề nhưng khi tốt nghiệp, bằng cấp của các bạn tương đương với những ai tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên, lợi thế của chúng tôi là tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập nhiều, kéo dài 1-2 năm tùy ngành. Chưa kể, yêu cầu đầu vào của trường không cao và học phí phải chăng, từ 4.000-12.000 AUD/năm”, anh Hunter nói.
Nam quản lý cũng lưu ý với bậc ĐH, tỷ lệ chấp nhận cấp visa vẫn ở mức cao, trên 80%, không liên quan đến mảng dạy nghề. TAFE NSW hiện cũng cung cấp học bổng 15% học phí cho du học sinh Việt, chỉ cần các bạn viết bài luận để trả lời một số câu hỏi của trường về dự định tương lai và có điểm trung bình từ 7 trở lên. Số học bổng khá nhiều và chưa năm nào trường hết học bổng, anh Hunter nói thêm.
Tại ĐH Macquarie, ngôi trường hiện có hơn 1.500 du học sinh Việt theo học, kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn giữ nguyên, theo chị Phạm Trà My, Quản lý thị trường Việt Nam. Đó là vì chỉ tiêu mà chính phủ Úc cấp cho trường dự kiến tương tự so với năm tài khóa trước. “Chúng tôi vẫn đang tuyển thẳng học sinh Việt Nam từ 113 trường chuyên, trường điểm với nhiều học bổng giá trị 10.000 AUD và cho phép cộng dồn”, chị My thông tin.
“Việc duy trì các chính sách tuyển sinh, học bổng là một chỉ báo tích cực cho thấy chúng tôi sẽ không có gì thay đổi trong thời gian tới. Bởi, dù là đơn vị giáo dục nhưng về bản chất chúng tôi vẫn là một thực thể kinh doanh nên cần đảm bảo vận hành ổn định. Nếu có thay đổi về tuyển sinh, những vấn đề liên quan như hỗ trợ tài chính chắc chắn phải điều chỉnh lại”, nữ quản lý nhận định.
Một điểm đáng lưu ý khác là Bộ Giáo dục Úc từ trước đến nay đều xếp loại các ĐH của một nước theo ba bậc (section 1, 2 và 3). Trước đây, ĐH Macquarie chỉ chấp nhận tuyển thẳng học viên thạc sĩ từ trường section 1 – bậc cao nhất và chủ yếu chỉ có các ĐH quốc gia của Việt Nam. Nhưng từ năm trước, trường đã mở rộng thêm cả section 2, tức tuyển thẳng học viên từ hầu hết các trường ĐH ở nước ta, chị My cho hay.
Bảo đảm quyền lợi người học đã trúng tuyển
Vào năm 2025, ĐH New South Wales là một trong những trường bị giảm chỉ tiêu tuyển mới theo chính sách dự kiến. Song chị Ngô Thanh Thảo, Quản lý khu vực Mê Kông của trường, cho biết trường hiện vẫn giữ nguyên chính sách tuyển sinh đối với học sinh Việt nhằm đảm bảo sự đa dạng quốc tịch trong môi trường học đường. Mặt khác, trường có đến 3 kỳ nhập học, các bạn không đi được kỳ này có thể hoãn sang kỳ sau nên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc giới hạn.
“Mục tiêu của áp trần tuyển sinh là tạo điều kiện dịch chuyển sinh viên quốc tế về những vùng có ít du học sinh, từ đó giảm tải cho các khu trung tâm như Sydney. Vì thế, tôi cho rằng chính sách này chỉ kéo dài trong ngắn hạn và chỉ ảnh hưởng đến việc ra quyết định lựa chọn địa điểm tại Úc, không tác động đến cách trường tuyển sinh tại thị trường Việt Nam”, chị Thảo phân tích.
Về chính sách học bổng, ĐH New South Wales không có sự thay đổi, với các gói có giá trị từ 15-100% học phí. Riêng với học bổng 100%, ứng viên được đánh giá dựa trên các tiêu chí: thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, năng lực lãnh đạo, giải thưởng và bài luận. “Tư vấn cho học sinh, tôi thấy các bạn băn khoăn nhiều nhất là câu chuyện ngành nghề”, chị Thảo nói thêm.
Một đơn vị khác cũng bị giảm chỉ tiêu là ĐH Quốc gia Úc. Ông Andy Phạm, Quản lý cấp cao khu vực Mê Kông của trường, chia sẻ rằng ngay sau khi nhận được tin, trường đã lập tức đưa ra cam kết không hủy bỏ bất kỳ thư mời nhập học nào đã gửi đến du học sinh cho năm 2025. Những sinh viên đã nhận thư mời có thể bắt đầu học tại trường vào năm tới mà không bị ảnh hưởng bởi chính sách giới hạn, theo ông Andy.
“Hiện tại, ĐH Quốc gia Úc và Bộ Giáo dục vẫn đang tiếp tục làm việc để ‘chốt’ con số cuối cùng cho trường. Lời khuyên của tôi là các bạn nên chấp nhận nhập học sớm ngay khi có thư mời để không bị lỡ cơ hội”, ông Andy chia sẻ, cho biết thêm trong nhóm 8 ĐH hàng đầu (Go8), bên cạnh ĐH New South Wales, ĐH Quốc gia Úc thì còn có ĐH Sydney và ĐH Melbourne bị giảm chỉ tiêu tuyển mới.
Việc giới hạn tuyển sinh loại trừ một số đối tượng, trong đó có bậc phổ thông. Nhưng ở bang New South Wales, anh Hạ Bằng, Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường Trung Quốc, Văn phòng DE International tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết Sở Giáo dục bang vẫn đang dừng nhận học sinh Việt Nam từ 4 tỉnh đến học bậc phổ thông công lập là Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, quy định trên không làm giảm sức hút. Theo anh Hạ, Việt Nam đứng thứ 3 về số du học sinh bậc phổ thông ở các trường công lập bang New South Wales. “Nguyên nhân chủ yếu là phụ huynh muốn tạo điều kiện cho con tiếp xúc với môi trường quốc tế từ sớm, đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH hàng đầu Úc”, anh Hạ lý giải, cho biết thêm mức học phí là 15.000-19.000 AUD/năm, chi phí sống chung với gia đình bản xứ là khoảng 450 AUD/tuần.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 5.2024, có 704.931 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó, Việt Nam có 33.765 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland…
Nguồn: thanhnien.vn