VTV.vn – Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân V. (51 tuổi, trú tại Nam Định) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, chảy nước mũi và đau ngực gáy.
2 tuần trước khi đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh và tự ý dùng thuốc ho dài ngày nhưng không thuyên giảm. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở cơ.
Đây là một trong nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã mắc bệnh trong thời gian dài có nguy cơ gây nhiễm ấu trùng ở não, gây những biến chứng nguy hiểm như động kinh, viêm não, não úng thuỷ, thậm chí gây tử vong.
Sau khi khai thác tiền sử dịch tễ được biết, bệnh nhân từng ăn gỏi cá, nem chua, nem nắm và ăn rau sống thường xuyên. Đây là thói quen của phần lớn người dân Việt Nam hiện nay nhưng cũng chính là nguyên nhân cao dẫn đến nhiễm ấu trùng sán dây lợn. Nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn liên quan rất nhiều đến tập quán ăn uống, bao gồm việc ăn thịt lợn sống, nấu chưa chín (tập tục uống tiết canh, nem chua, nem chạo…) và nguồn thịt lợn này vô tình có chứa nang sán lợn. Ngoài ra, người có thói quen ăn thực phẩm chưa nấu chín, rau sống, củ quả không rửa sạch, nước chưa đun sôi sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm trứng sán lợn.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà cơ thể sẽ có những biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau. Đặc biệt trên những bệnh nhân mắc bệnh nội tiết mãn tính như đái tháo đường, suy thượng thận, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng nặng, tỉ lệ biến chứng nặng cao hơn, cần chú ý phòng bệnh và đến khám chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời. “Thông thường, khi phát hiện nhiễm sán dây lợn, bệnh nhân cần điều trị nội khoa (sử dụng thuốc để diệt sán). Trong trường hợp sán lợn gây chèn ép thần kinh, gây tắc mạch, giãn não thất hay ứ nước trong não, thì người bệnh cần thực hiện phẫu thuật” – ThS.BS Đào Đức An, Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết.
Bác sĩ đặc biệt đưa ra khuyến cáo: Tất cả mọi người cần chủ động phòng ngừa nhiễm sán lợn bằng cách vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý nguồn chất thải thật tốt. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần sử dụng nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm là điều vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh sán dây lợn.
Cần ăn chín uống sôi (nguồn nước phải được đun sôi, để nguội, rồi mới được sử dụng trực tiếp). Tuyệt đối không được ăn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (tiết canh, nem) khi chưa nấu chín, tránh xa thịt lợn gạo và hạn chế ăn rau sống.
Chủ động phòng chống nhiễm sán dây lợn cho bản thân cũng là một cách để ngăn ngừa nhiễm sán cho người thân, gia đình và những người chung sống trong cùng khu vực. Đặc biệt, người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.