Thúc đẩy chuyển sang phương tiện giao thông xanh tại Việt Nam vẫn chậm và đối mặt với nhiều thách thức. Những chính sách hỗ trợ còn ít, chưa đủ hấp dẫn.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, số lượng xe ô tô điện tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong mấy năm qua. Từ 8 chiếc xe nhập khẩu trong năm 2019 lên tới 37.000 chiếc trong 8 tháng đầu năm 2024, nâng tổng số xe điện đang lưu hành trên cả nước lên khoảng 70.000 chiếc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, việc thúc đẩy chuyển sang phương tiện giao thông xanh tại Việt Nam vẫn chậm và đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề nổi bật như chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, sự thiếu hụt các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, cũng như hạ tầng thiếu đồng bộ là những rào cản lớn chưa được giải quyết.
Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty BYD Auto Việt Nam cho biết, tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia có ưu đãi lớn cho chuyển đổi sang xe điện. Cụ thể Chính phủ giảm thuế nhập khẩu về 0% cho các doanh nghiệp, nếu đặt nhà máy tại Thái Lan; hỗ trợ số tiền tương đương với 105 triệu VND mỗi xe điện doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ra. Với người tiêu dùng Chính phủ cũng hỗ trợ số tiền tương đương từ 50 – 107 triệu VND khi mua ô tô điện (tùy dung lượng pin) và giảm 80% phí đường bộ… Nhờ vậy mà doanh số bán ô tô điện Thái Lan đã tăng trưởng nhanh, năm 2023 chiếm 12% thị trường ô tô với 80.000 chiếc. Thái Lan cũng đặt mục tiêu thu hút 28 tỷ USD từ đầu tư nước ngoài vào xe điện trong vòng 4 năm tới, để trở thành trung tâm sản xuất lớn của thế giới.
Theo ông Lực, những chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư và người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện tại Việt Nam còn ít, chưa đủ hấp dẫn. Muốn người dân chuyển đổi nhanh sang giao thông xanh và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất, Chính phủ cần ban hành hệ thống chính sách ưu đãi đồng bộ và thực sự đột phá.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần giảm mạnh các loại thuế, phí trong dài hạn với xe điện. Cùng với đó là trợ giá cho xe điện. Trong số các chính sách hỗ trợ về xe điện nói chung, chính sách đem lại hiệu quả nhanh chóng nhất chính là trợ giá. Chính sách này bao gồm hai phần: trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất và trợ giá cho người mua xe điện.
Chờ chính sách
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vừa triển khai lấy ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam. Có 3 nhóm chính sách lớn được đề xuất trong báo cáo gồm: hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phát triển phương tiện không phát thải. bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư đặc biệt; xem xét ưu đãi đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện về thuế, phí, mặt bằng…
Thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch; miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô điện; trợ cấp cho người dân một khoản tiền khi mua ô tô điện. Cấp quyền ưu tiên tham gia giao thông trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị và nơi đỗ xe cho người sử dụng ô tô điện.
Ban hành các quy chuẩn Việt Nam về trạm sạc điện, phù hợp với quốc tế. Ban hành quy định xây dựng hệ thống trạm sạc điện trong khu đô thị, khu dân cư, nơi công cộng, trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư, khu đô thị, nhà hàng, trụ sở cơ quan hành chính…
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng, những chính sách trên khi thành hiện thực sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư, sản xuất, tiến tới nắm bắt công nghệ mới và chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giao thông xanh Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển, trong đó xe điện chiếm vai trò quan trọng. Việt Nam đang có cơ hội lớn để vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất xe điện. Vì vậy, cần những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời. Chính sách chuyển đổi sang giao thông xanh phải có tầm nhìn dài hạn, ổn định, thực sự hấp dẫn và triển khai nhanh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn