Bé trai 5 tuổi, béo phì nặng, mắc cúm A/H1 bội nhiễm diễn tiến sốc nhiễm trùng kèm hội chứng suy hô cấp cấp tiến triển, có nguy cơ tử vong.
Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhi H.T.N. (5 tuổi, trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), cơ địa béo phì nặng (cân nặng 60kg, chiều cao 120cm – BMI 41.6kg/m2), nhập viện vì khó thở.
3 ngày trước nhập viện, bệnh nhi ho đờm, sổ mũi vàng xanh, sốt 38,5 độ C. Ba bệnh nhi tự mua thuốc về cho uống. Đến ngày thứ 3 của bệnh, bệnh nhi ngủ nhiều, li bì, thở nặng nhọc nên được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, nhịp thở nhanh, lồng ngực co kéo, môi tím, nồng độ oxy trong máu tụt còn 80% với mạch nhanh nhẹ 160 lần/phút, HA tụt 70/40 mmHg, nghe nhiều rale ẩm nổ 2 bên phổi.
Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành đặt ống thở (nội khí quản), sau khi đặt ống thở, xuất hiện nhiều bọt hồng trong ống, bệnh nhi được gắn máy thở với các thông số cao để nhanh chóng cung cấp oxy, đồng thời truyền dịch chống sốc và thêm thuốc trợ tim mạch để nâng huyết áp lên mức an toàn.
Sau 1 giờ, tình trạng huyết áp bệnh nhi cải thiện, tuy nhiên tình trạng oxy của bệnh nhi cải thiện chậm, cần phải điểu chỉnh các thông số máy thở tối đa để duy trì đủ lượng oxy cho cơ thể. Sau khi đánh giá toàn diện các triệu chứng, các xét nghiệm, diễn tiến và hội chẩn chuyên gia, các bác sĩ nhận định định đây là trường hợp viêm phổi nặng diễn tiến nhanh tới suy hô hấp, gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và quyết định lọc máu để loại bỏ các chất gây viêm có thể gây ra hội chứng này ra khỏi cơ thể bệnh nhi.
Bệnh nhi được lọc máu, truyền kháng sinh và uống thuốc kháng siêu vi cúm, làm các xét nghiệm chuyên sâu tìm tác nhân viêm phổi. Kết quả PCR mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H1 pdm 2009. Sau 1 ngày điều trị tích cực, trình trạng oxy trong máu của bệnh nhân được ổn định và bé được điều chỉnh giảm các thông số máy thở cũng như giảm liều các thuốc hỗ trợ tim mạch.
Sau 7 ngày điều trị tích cực tại khoa, bệnh nhi cải thiện dần, tỉnh táo, ngưng lọc máu, ngưng thở máy, tập vật lý trị liệu phục hồi vận động và hô hấp tại khoa trước khi xuất viện.
Theo y văn cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế, béo phì là một trong những yếu tố tiên lượng nặng của cúm. Bệnh nhân béo phì nhiễm cúm có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, cần can thiệp điều trị tích cực, kịp thời. Do đó, việc phòng ngừa cúm trên các đối tượng này rất quan trọng.
Nguồn: vtv.vn