Để tạo “lực hút”, Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai những dự án đầu tư, kinh doanh thành công tại thành phố.
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, Đà Nẵng đã xây dựng nhiều kế hoạch, chính sách ưu đẩy để tiếp cận các nhà đầu tư. Trong đó, địa phương này có nhiều chính sách chiến lược để tạo điểm nhấn với cộng đồng doanh nghiệp FDI xác định lựa chọn đầu tư.
Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư tại Úc mới đây, Đà Nẵng đã giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh, các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư và tiềm năng du lịch của thành phố đến các tập đoàn, hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch. Về định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng tập trung phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Phước Sơn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng cho biết vào tháng 7/2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó có những chính sách ưu tiên liên quan đến quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
“Và lần đầu tiên, Quốc hội cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt đối với thị trường Úc trong việc thực hiện hóa các mục tiêu quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”, ông Sơn thông tin.
Theo số liệu, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với 3 địa phương của Úc gồm Bang Queensland, Bang Nam Úc, thành phố Gold Coast. Trong 08 tháng đầu năm 2024 tổng lượt khách Úc lưu trú tại Đà Nẵng đạt 71.445 lượt, chiếm gần 2,4% tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng. Về đầu tư và thương mại, có khoảng 15 doanh nghiệp có quan hệ thương mại với Úc và 29 dự án FDI của Australia đầu tư tại Đà Nẵng với vốn đầu tư 13,9 triệu USD.
Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác sẵn có, ông Trần Phước Sơn mời gọi nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Sydney nói riêng, Úc nói chung quan tâm tìm hiểu, đầu tư kinh doanh thương mại, du lịch và sinh sống tại Đà Nẵng.
“Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Úc triển khai những dự án đầu tư, kinh doanh thành công tại thành phố”, ông Sơn khẳng định.
Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng nhấn mạnh địa phương có mô hình khu đô thị sinh thái có sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu – phát triển, đào tạo, sản xuất với môi trường sống và văn hóa – xã hội. Theo vị này, Khu Công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 2010 để tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.
“Chúng tôi kỳ vọng tầm nhìn và các mục tiêu về hợp tác chiến lược toàn giữa giữa 02 chính phủ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Úc tìm hiểu các thị trường tiềm năng mới của khu vực châu Á – Thài Bình Dương như Đà Nẵng, Việt Nam”, ông Tiến nói.
Ngoài việc quảng bá tiềm năng, Đà Nẵng đã lên định hướng cụ thể về các lĩnh vực chú trọng thu hút đầu tư. Trong đó, địa phương này đang có khát vọng lớn về việc mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quy mô để phát triển ngành công nghiệp, bán dẫn.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định thành phố mong trong họp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ. Trước hết, là hỗ trợ chuyển giao cho các doanh nghiệp tại Đà Nẵng.
“Đà Nẵng có đủ các cơ chế, Đà Nẵng sẽ có trách nhiệm trong việc này. Riêng về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ là vấn đề và là định hướng Đà Nẵng sẽ làm.Trong định hướng, sẽ nhất quán quan điểm liên minh Nhà nước – Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo, cùng hướng tới mục tiêu trước mắt đào tọa nguồn nhân lực có đủ khả năng làm việc trên phạm vi toàn cầu. Đây là một trong những mục tiêu rất lớn. Chúng tôi không chỉ đào tạo nhân lực chỉ phục vụ cho thành phố hay Việt Nam, mà phải đáp ứng được yêu cầu toàn cầu”, ông Quảng nói tại sự kiện vi mạch bán dẫn của địa phương.
Theo ông Quang, Đà Nẵng sẽ cam kết tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ sinh thái về bán dẫn. Trước mắt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Quảng, trong Nghị quyết 136 có cơ chế đặc thù là hình thành khu thương mại tự do. Và Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước có được cơ chế này. Vì vậy, thời gian tới thành phố sẽ thúc đẩy nhanh phân khu sản xuất, logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu,…
“Với sự quyết tâm, đồng lòng và chân tình trong quan hệ hợp tác của các bên, trong thời gian tới TP. Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, ông Quảng nhấn mạnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn