Sau vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ, một số cây cầu đang khiến người dân nơm nớp, bất an khi qua lại và nhiều cây cầu đang được cơ quan chức năng “khám sức khỏe” tổng quát.
Những ngày qua, Khu Quản lý đường bộ 2 (Cục Đường bộ VN) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kiểm tra cầu Bến Thủy 1 bắc qua sông Lam nằm trên tuyến QL1A (nối Hà Tĩnh và Nghệ An) và cầu Linh Cảm bắc qua sông La nằm trên tuyến QL8 (Hà Tĩnh). Đây là 2 cây cầu được xây dựng từ hàng chục năm trước, có lưu lượng xe cộ qua lại nhiều và lưu tốc dòng chảy nước lũ rất mạnh. Cầu Bến Thủy 1 có chiều dài 630,5 m, rộng 12 m với 13 nhịp, được đưa vào khai thác từ năm 1990. Qua thời gian dài sử dụng, cầu đã nhiều lần được tu sửa. Cầu Linh Cảm dài 228,8 m, rộng 7 m, được xây dựng vào năm 2008, từ khi khai thác tới nay cũng từng được sửa chữa.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ 2, cho biết 2 cây cầu này đã được kiểm tra về tình trạng xói lở lòng sông, xói cục bộ mố, trụ cầu và kiểm tra đáy móng bệ trụ, liên kết cọc với đáy bệ trụ, hư hỏng cọc. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng kiểm tra hiện trạng phần trung gian nằm giữa mố trụ cầu, kết cấu nhịp, các kết cấu chịu lực…
“Do nước sông chảy xiết nên chúng tôi đã phải thuê chuyên gia, thợ lặn sử dụng đèn pin và camera dưới nước để chụp ảnh, quay video lưu trữ. Quá trình kiểm tra cho thấy cầu Bến Thủy 1 và cầu Linh Cảm vẫn đang đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để biết được chính xác về mức độ ăn mòn, xuống cấp của cầu thì phải nhờ các chuyên gia về xây dựng cầu đường thẩm định, đánh giá để lên phương án xử lý”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cầu Bến Thủy 1 có kết cấu cầu tương đồng với cầu Phong Châu, hệ cọc thép của cầu trước đây đã có dấu hiệu ăn mòn, vị trí cầu thuộc vùng lên xuống của thủy triều nên đơn vị này đã đề nghị Chi nhánh BOT tuyến tránh TP.Vinh (thuộc Tập đoàn Cienco 4 khai thác, quản lý, duy tu cầu) phải lập phương án, dự kiến kinh phí kiểm định tổng thể, đánh giá an toàn cầu, đồng thời đề xuất phương án sửa chữa, gia cường cầu và báo cáo Cục Đường bộ VN trước ngày 25.9.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra toàn bộ các cây cầu trên tuyến nằm trong vùng thường xuyên ảnh hưởng của xói lở, thay đổi dòng chảy như: khu vực có khai thác cát thượng, hạ lưu cầu; khu vực ảnh hưởng trực tiếp của xả lũ các đập thủy điện; khu vực miền núi có lũ quét, lũ ống. Sau khi khảo sát, đo đạc đối chiếu với hồ sơ hoàn công, các đơn vị quản lý cầu sẽ đề xuất phương án xử lý nếu phát hiện cầu xuất hiện hư hỏng kết cấu bệ trụ, cọc, liên kết cọc hoặc xói lở bất thường so với hiện trạng ban đầu”, ông Dũng thông tin thêm.
NƠM NỚP KHI QUA CẦU TREO
Tại Nghệ An, cầu treo Sông Giăng trên tuyến QL46C thuộc H.Thanh Chương (Nghệ An) đã xuống cấp từ nhiều năm qua và được liệt vào danh mục cầu nguy cấp. Cầu này khai thác từ năm 1987, chiều dài 120 m. Do đã xuống cấp nghiêm trọng nên các phương tiện bị khống chế tải trọng dưới 5 tấn mới được qua cầu.
Ông Nguyễn Hồng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh (H.Thanh Chương), cho hay sau vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ, người dân ở đây càng thêm lo lắng và nơm nớp khi qua cầu Sông Giăng. “Cầu này đã quá yếu, chúng tôi thường phải cử người canh gác để điều tiết, hạn chế người và xe qua cầu trong các dịp lễ, tết. Do không thể bố trí người trực thường xuyên vì cầu này thuộc Khu Quản lý đường bộ quản lý nên cách đây ít tháng, chúng tôi đã kiến nghị với cơ quan này bố trí người canh gác hai đầu cầu để ngăn xe tải trọng quá 5 tấn qua cầu vì sợ cầu sập. Sau đó, họ đã bố trí người canh gác 24/24 giờ. Trước đó, không có người canh gác nên chúng tôi rất lo vì lưu lượng xe cộ qua lại cầu rất đông, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn qua lại ban đêm rất khó kiểm soát”, ông Nhâm nói.
Năm 2020, tại cầu này đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 5 người tử vong. Chiếc ô tô 7 chỗ chở 3 người, gồm cả tài xế đang qua cầu thì va chạm với xe máy đi hướng ngược lại khiến cả 2 xe rơi xuống sông. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là người điều khiển ô tô không làm chủ tốc độ và do cầu treo đã xuống cấp, nên khi xe đi tốc độ cao có rung lắc làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Sau vụ tai nạn này, UBND H.Thanh Chương làm tờ trình gửi Tổng cục Đường bộ VN đề nghị sớm cho xây dựng cầu cứng bắc qua sông Giăng để thay thế cầu treo đã xuống cấp. Tổng cục Đường bộ VN sau đó đã trình Bộ GTVT quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu mới thay thế cầu treo Sông Giăng với mức đầu tư dự kiến khoảng 68 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy vì chưa bố trí được vốn.
Theo ghi nhận của PV, các mố neo của cầu treo này hiện đã xuống cấp, bong tróc, cáp treo đã cũ kỹ, hệ thống lan can sức chịu lực kém. Do cầu quá yếu nên cơ quan chức năng cho cắm nhiều biển cảnh báo hai đầu cầu, hạn chế tải trọng xe tải dưới 5 tấn và cho dựng hàng rào cọc tiêu hai đầu cầu để hạn chế xe tải lớn qua cầu.
Tháng 6 vừa qua, Cục Đường bộ VN gửi văn bản cho UBND H.Thanh Chương thông báo Cục đã trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Sông Giăng với kinh phí khoảng 240 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 – 2030. “Hiện xã vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể về vị trí xây cầu mới và phương án giải phóng mặt bằng. Người dân rất mong cầu mới sớm được xây dựng vì đây là tuyến quốc lộ, ô tô tải trọng trên 5 tấn không qua được cầu nên phải đi vòng thêm khoảng 40 km nữa, rất khó khăn”, ông Nhâm nói.
Theo thống kê của Sở GTVT Nghệ An, tỉnh này hiện có 70 cầu treo, trong đó Sở và Khu Quản lý đường bộ 2 chỉ quản lý 2 cầu, 68 cầu còn lại do các huyện quản lý. Một số cầu do khai thác đã lâu và nằm trong vùng tác động của mưa lũ nên đã xuống cấp. Một lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An cho biết ngoài vấn đề kinh phí, các huyện còn gặp khó khăn về kỹ thuật trong việc bảo trì, sửa chữa. Sở đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình cầu treo, kịp thời phát hiện hỏng hóc để sửa chữa.
Ngày 6.3 vừa qua, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu (thuộc xã Châu Hạnh, H.Quỳ Châu, Nghệ An) bất ngờ đổ sập. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người do cầu đang tạm cấm các phương tiện qua lại vì đã quá yếu. Cây cầu treo này hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2014 và do mưa lũ làm sạt lở mố cầu và làm sụt, nghiêng thanh neo. Sau khi được cơ quan chuyên môn kiểm tra, cầu này được sửa chữa và khi đơn vị thi công đang làm đường công vụ để sửa cầu thì cầu bất ngờ đổ sập.
Nguồn: thanhnien.vn