Tuesday, November 26, 2024

Hải Phòng: Không để lao động thất nghiệp sau bão số 3

Hải Phòng tập trung mọi nguồn lực, cắt giảm, giãn hoãn các nhiệm vụ chưa cấp thiết, dồn lực khắc phục hậu quả sau bão, nhất là không để lao động mất việc.

Tập trung nguồn lực

Sau cơn bão số 3, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng đình trệ, khiến đời sống, việc làm của nhiều doanh nghiệp, công nhân chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Theo thống kê, các doanh nghiệp tại đây đều có cây xanh bị gãy đổ, nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90%, thấp nhất là 30%. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão, nhiều doanh nghiệp bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ, cổng hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào nhà xưởng, song may mắn không có thiệt hại về người. Hiện, 100% doanh nghiệp đã được cung ứng điện, nước, internet. Đến nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại.

Ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội phải chủ động, kịp thời tham mưu các giải pháp khắc phục, không để người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của bão số 3.

Hải Phòng: Không để lao động thất nghiệp sau bão số 3

Ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, tránh trục lợi về chính sách

Ông Lê Trung Kiên ­- Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế cho biết: Ban Quản lý Khu Kinh tế luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả nhanh nhất, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm chuỗi cung ứng tại thành phố trong thị trường toàn cầu thông suốt.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dồn lực khắc phục các hậu quả sau bão, các đoàn đang tiến hành thanh tra đối với doanh nghiệp sẽ giãn, hoãn tiến độ kiểm tra. Đối với các đoàn đã có kế hoạch, thời gian triển khai sẽ lùi lịch sang đầu năm 2025.

Sau hơn 1 tuần khôi phục sản xuất sau bão, Công ty TNNH OKI Việt Nam thuộc KCN Tràng Duệ đã quay trở lại làm việc công ty cũng đảm bảo các điều kiện ăn, nghỉ cho công nhân, lao động để họ yên tâm sản xuất. Đến nay, công ty cũng đã xuất 2 container hàng với 34 cây rút tiền tự động, gần 800 bộ linh kiện, trung bình mỗi ngày công ty đều xuất 2 đến 5 container hàng.

Ông Kashiwakura Yutaka – Tổng Giám đốc Công ty TNHH OKI Việt Nam cho biết: “Toàn bộ các dây truyền trong nhà máy đã đi vào hoạt động đầy đủ. Kế hoạch sản xuất sẽ bị ảnh hưởng một chút, tuy nhiên hiện tại hàng đã quay trở lại xuất hàng đầy đủ cho khách hàng”.

Ông Bruno Jaspert – Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ: “Hơn 90% công ty trong KCN DEEP C bị thiệt hại, ít nhất 50% chịu tổn thất nặng nề. Đến nay, các doanh nghiệp cũng vừa phải khắc phục hậu quả, vừa phải chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới để bảo vệ hàng hóa, nhà xưởng. Từng bước một, chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ hỗ trợ các doanh nghiệp và hy vọng họ sớm có thể vận hành nhà máy bình thường, ổn định sản xuất trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị hư hỏng nặng, có lẽ phải mất ít nhất 1 – 2 tháng để khắc phục hậu quả”.

Tránh trục lợi về chính sách

Để khẩn trương khắc phục các hậu quả sau bão, Hải Phòng cần phải có những chính sách, hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nắm chắc các thủ tục pháp luật, thống kê thiệt hại, chi phí sử dụng nguồn nào, mức độ bao nhiêu, đối tượng là ai… bám sát các quy định, nghiêm cấm việc trục lợi chính sách.

Ông Lê Trung Kiên cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật, cũng như tiếp tục theo dõi động viên và hỗ trợ trong thẩm quyền của Ban, nếu khó khăn của doanh nghiệp đề xuất mà vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND thành phố, Thành ủy để tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, làm thế nào sớm nhất ổn định sản xuất, để đảm bảo cho chuỗi cung ứng được thông suốt. Thông điệp của lãnh đạo TP Hải Phòng là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để đi vào sản xuất đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại của bão”.

Hải Phòng: Không để lao động thất nghiệp sau bão số 3

Cận cảnh các nhà xưởng tại KCN Nam Đình Vũ – Hải Phòng bị đổ, tốc mái do ảnh hưởng của bão số 3

Ông Lê Tiến Châu chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, cắt giảm, giãn hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết để tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3. Đồng thời, khẩn trương phân bổ kinh phí để các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học sửa chữa, khắc phục hậu quả. Đề nghị Sở Xây dựng, Văn phòng UBND thành phố phải triển khai các thủ tục đề xuất, thẩm định và trình khẩn cấp, trên tinh thần ưu tiên cao nhất.

Bên cạnh đó, cũng có các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sớm khắc phục các thiệt hại sản xuất sau bão. Trước mắt, nghiên cứu ủy thác nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố cho ngân hàng chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay để phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.

Mặt khác, Sở Công thương, Sở Xây dựng được yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, xử lý không để tăng giá vật liệu xây dựng, bảo đảm bình ổn giá và nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đưa Hải Phòng sớm quay trở lại đà tăng trưởng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img