Cả Nga và Ukraine đều chưa vội ngồi vào bàn đàm phán hòa bình vì những lý do riêng, bất chấp những thay đổi trong tính toán của các bên.
Lập trường của Nga và Ukraine về đàm phán hòa bình
Cộng đồng quốc tế tăng cường kêu gọi các bên tiến tới một thỏa thuận chính trị khi cuộc xung đột ở Ukraine trải qua 2 năm rưỡi. Tuy nhiên, các điều kiện tối thiểu của Kiev và Moscow cho hòa bình vẫn không thể dung hòa với nhau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn giành lại tất cả các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát không chỉ từ ngày 24/2/2022 mà còn từ năm 2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Ngoài ra, Ukraine cũng bị cấm trở thành thành viên NATO và bị giới hạn về số lượng binh lính cũng như vũ khí sở hữu. Đây là các điều khoản Moscow đưa ra cho Kiev trong các cuộc đàm phán từng được tổ chức vào tháng 4/2022.
Cả hai nhà lãnh đạo đều công khai tuyên bố họ cởi mở với việc đàm phán nhưng không bên nào từ bỏ các mục tiêu lâu dài hoặc nhượng bộ chiến thắng. Vì vậy, quân đội Nga vẫn tiếp tục tiến công ở Donetsk (chiến trường chính của cuộc xung đột) và đe dọa các thị trấn then chốt của Ukraine, bất chấp những tổn thất nhất định về lực lượng và trang thiết bị. Trong khi đó, vào tháng trước, quân đội Ukraine đã khiến Nga bất ngờ bằng cuộc tấn công vào Kursk và chiếm hơn 1.000 km vuông lãnh thổ – nhiều hơn số lượng lãnh thổ Nga chiếm được ở Ukraine tính từ đầu năm.
Mỹ và Anh đang cân nhắc lời kêu gọi của Ukraine về việc cho phép nước này sử dụng các tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Kiev hiện đang sử dụng cả hai loại tên lửa này để nhắm vào các mục tiêu của Moscow trên lãnh thổ của mình. Tổng thống Putin cảnh báo, sự cho phép của Mỹ và Anh chẳng khác gì quyết định phát động một cuộc chiến chống lại Nga, đồng thời ám chỉ về những hậu quả nặng nề.
Ulrich Kuehn – chuyên gia vũ khí tại Đức nhận định, ông không loại trừ khả năng Tổng thống Nga Putin sẽ cho thử vũ khí hạt nhân để cảnh báo phương Tây. Theo ông: “Đây sẽ là một bước leo thang lớn trong xung đột Nga – Ukraine”.
Chuyên gia Kuehn cho biết, Nga chưa thực hiện một vụ thử vũ khí hạt nhân nào kể từ năm 1990, ngay trước khi Liên Xô sụp đổ. Ông cho rằng, một vụ nổ hạt nhân sẽ báo hiệu sự khởi đầu của một thời kỳ nguy hiểm hơn. Chuyên gia này nhắc lại rằng hiện NATO đang gia tăng viện trợ cho Ukraine bất chấp nhiều lần cảnh báo từ phía Điện Kremlin, bao gồm cả các cảnh báo của ông Putin và ông Medvedev.
Dù vậy, một số nhà quan sát nhận định rằng, liệu sự mệt mỏi vì xung đột và nỗi sợ leo thang căng thẳng có dọn đường cho các cuộc đàm phán tương lai để chấm dứt xung đột?
Tình thế của Ukraine và sự cân nhắc của phương Tây
Ukraine chắc chắn đã chịu đựng nhiều tổn thất. Nhiều khu vực ở nước này bị xung đột tàn phá, 10 triệu người phải xin tị nạn ở nước ngoài hoặc tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn hơn ở Ukraine. Các lực lượng của Kiev vẫn bị áp đảo về lực lượng và trang thiết bị, đồng thời gặp khó khăn trong vấn đề huấn luyện các binh lính mới đủ nhanh chóng và số lượng để đối phó với các cuộc tấn công liên tục của Nga.
Ngoài ra, những bất đồng trong nội bộ chính trường Mỹ về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt trang thiết bị nghiêm trọng của Kiev, cho phép các lực lượng của Moscow tiến sâu hơn vào các khu vực Ukraine kiểm soát ở tỉnh Donetsk sau khi giành được Avdiivka vào giữa tháng 2.
Tuy nhiên, theo The Guardian, mặc dù Ukraine đã mệt mỏi vì xung đột nhưng tinh thần trên tiền tuyến và hậu phương vẫn chưa suy kiệt đến mức khiến cho Tổng thống Zelensky không còn lựa chọn nào khác ngoài ngừng giao tranh và tìm kiếm hòa bình theo các điều khoản của Nga. Bất chấp những khó khăn của quân đội Ukraine ở Donetsk, Kiev đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga vào tháng trước.
Mặc dù Nga bắt đầu phản công nhưng rất khó để xác minh các vùng lãnh thổ họ tuyên bố giành lại. Các lực lượng của Moscow cũng đang dễ bị bao vây ở phía Nam sông Seym do quân đội Ukraine đã phá hủy các cây cầu cố định cũng như cầu phao bắc qua nó.
Tuy Ukraine dường như đạt được một số thành quả mới ở quận Glushkovsky nhưng cuộc tiến công của họ đã chậm lại và thậm chí cả khi tiến lên, việc giành thêm lãnh thổ sẽ làm xấu đi sự chênh lệch lực lượng vốn đã bất lợi cho họ. Điều này cũng giúp các đơn vị mới được tăng cường của Nga có nhiều cơ hội hơn để phản công. Chiến dịch Kursk cho thấy một thực tế ngày càng rõ ràng, đó là Kiev quyết tâm chiến đấu.
Trên thực tế, Tổng thống Zelensky và giới lãnh đạo quân sự nước này tin rằng những thành quả trên có thể được củng cố nếu Anh và Mỹ cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công các sân bay, cơ sở quân sự và các nhà máy lọc dầu của Nga.
Một số quan điểm hoài nghi cho rằng việc có thêm quyền sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga sẽ không giải quyết được vấn đề chính của Ukraine: Đó là không có khả năng tiến hành một chiến dịch cơ động quy mô lớn. Tuy nhiên, ông Zelensky vẫn thất vọng vì những gì ông coi là sự do dự của Anh và Mỹ. Nhà lãnh đạo Ukraine tin rằng nền độc lập của nước này đang bị đe dọa, và do đó lo ngại về thất bại sẽ phải lớn hơn lo ngại về leo thang. London và Washington không muốn Kiev thất bại nhưng họ vẫn quyết tâm ngăn chặn sự leo thang, một phần vì điều đó có thể biến thành chiến tranh hạt nhân.
Việc có các ưu tiên khác nhau có thể giải thích vì sao Tổng thống Biden và Thủ tướng Keir Starmer không chấp thuận yêu cầu của Kiev về việc sử dụng vũ khí tầm xa khi họ gặp nhau vào tuần trước. Họ có thể sẽ nhượng bộ nhưng dù không làm vậy, Ukraine vẫn sẽ sử dụng các UAV sản xuất trong nước với khả năng hạn chế hơn để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Thành công của chiến dịch Kursk cũng như quyết định của London và Washington về Storm Shadow và ATACMS vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, bất kể kết quả ra sao, Tổng thống Zelensky sẽ không vội vã ngồi vào bàn đàm phán và Tổng thống Putin cũng vậy.
Kết quả là mặc dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi đàm phán và nguy cơ leo thang luôn hiện hữu, lập trường của Nga và Ukraine cho thấy xung đột sẽ kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn.
Nguồn: vov.vn