Hôm qua, giá cổ phiếu Intel tăng vọt sau khi có tin tức họ tái cấu trúc công ty cũng như ký nhiều hợp đồng lớn. Nhiều bên quyết không để Intel “chết”.
Bên cạnh đó, CEO Pat Gelsinger còn công bố một số thay đổi sâu sắc trong cơ cấu tổ chức, hợp nhất các nhóm xe hơi, mạng với bộ phận khách hàng. Đáng lo ngại hơn, các cơ sở lắp ráp ở Đức và Ba Lan có thể bị tạm ngừng trong hai năm. Thông tin này khiến nhiều người đặt ra nghi ngờ về tương lai của hai cơ sở này. Đó là chưa kể đến việc EU đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, từ 10 lên 20% đến năm 2030.
Các quốc gia thành viên EU đã chi 48 tỷ đô tiền trợ cấp để thực hiện mục tiêu này. Ban đầu, Intel dự kiến nhận được khoảng 13,4 tỷ đô cho các hoạt động ở Đức và Ba Lan. Tuy nhiên có vẻ như họ sẽ không bao giờ nhận được khoản viện trợ này. Nếu điều đó là sự thật, khoản thời gian 2 năm tạm dừng sẽ biến thành mãi mãi.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được tiền, chưa chắc Intel đã làm được, vì chi phí xây dựng cả hai cực kỳ đắt đỏ. Dự kiến nếu xây dựng, Intel phải bỏ vốn 22,3 tỷ đô, trong khi đây là thời điểm họ đang nỗ lực cắt giảm chi phí và nhân công.
Khi Intel rút chân, thị trường Châu Âu sẽ lộ ra khoảng trống khổng lồ. Nếu không có bên nào thay thế, rất có thể Châu Âu sẽ phải dùng lại những con chip cũ kỹ. Về mặt quy mô, Samsung đủ khả năng thế chỗ Intel. Tuy nhiên tình hình kinh doanh ở Châu Âu chưa đủ hấp dẫn, ngay cả khi nhận được vài tỷ đô trợ cấp.
Foundry tách ra nhưng chưa thay đổi nhiều
Bên cạnh thông tin Foundry tách ra thành công ty riêng, Intel còn khiến tất cả xôn xao với bản hợp đồng cùng AWS và chính phủ Mỹ.
Trong đó, AWS xác nhận kế hoạch sản xuất chip vải AI, đồng thời tuyên bố sẽ ra mắt phiên bản tùy chỉnh cho bộ xử lý Xeon 6 sắp ra mắt của x86. Còn Chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ 3 tỷ đô để Intel thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn theo chương trình “Secure Enclave”.
Hai bản hợp đồng béo bở này là một chiến thắng đối với Intel Foundry. Tuy nhiên Intel sẽ phải chờ thêm một khoản thời gian nữa mới có thể kiếm được doanh thu từ một trong hai.
Trên thực tế, mảng sản xuất chip của Intel đang không có lời. Trong báo cáo quý gần đây nhất, Intel ghi nhận mảng này lỗ 2,8 tỷ đô. Dù Foundry giờ đã tách thành công ty riêng, xu hướng này cũng khó thay đổi một sớm một chiều.
Theo cơ cấu mới, Intel Foundry hoạt động độc lập như một công ty con bên trong Intel. Điều này đồng nghĩa họ sẽ có hội đồng quản trị riêng, có nhiều quyền tự chủ hơn để theo đuổi các nguồn tài trợ mới và hướng đi mới. Tuy nhiên quyền kiểm soát vẫn trong tay Gelsinger. Bởi vì thay vì bầu một giám đốc điều hành mới, các nhân viên của Intel Foundry sẽ báo cáo trực tiếp lên Gelsinger.
Dĩ nhiên mọi chuyện sẽ thay đổi. Foundry có thể tiến hành IPO. Tuy nhiên ở hiện tại, tương lai các sản phẩm của Intel vẫn phụ thuộc sâu sắc vào thành công của Foundry.
Foundry tách riêng, cộng với việc trước đó họ đã chuyển mảng Arrow Lake CPU cho công ty TSMC, điều này đồng nghĩa rất ít sản phẩm thuộc danh mục năm 2024 của Intel được sản xuất nội bộ.
Thế nhưng điều này có thể thay đổi vì quá trình sản xuất nút biến đổi 18A của Intel sẽ tăng vọt vào năm 2025 và đạt sản lượng lớn vào năm 2026. Đây là kế hoạch mà Intel bắt buộc phải triển khai cho bằng được. Bởi vì không giống TSMC có những khách hàng lớn như Apple, Nvidia hay AMD, khách hàng lớn nhất và quan trọng nhất của Foundry vẫn là bản thân Intel.
Rời xa Gelsinger là bão tố
Khi quay trở lại cái ghế CEO Intel vào đầu năm 2021, Gelsinger nhanh chóng vạch ra kế hoạch đầy tham vọng để vực dậy nhà sản xuất chip. Ông khiến nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố ý định mở các nhà máy và đầu tư 20 tỷ đô (bây giờ đã lên 30 tỷ đô) để xây dựng hai nhà máy công nghệ cao tại Arizona.
Sau đó, Intel cam kết xây dựng thêm hai nhà máy ở Ohio với chi phí khoảng 20 tỷ đô. Đồng thời họ tranh thủ sự hỗ trợ từ các quỹ tư nhân như Brookfield và Apollo, cũng như nhận 11,5 tỷ đô từ chính phủ Mỹ theo đạo luật CHIPS.
Trong quá trình ấy, Foundry trở thành đối tượng cực kỳ quan trọng, khó lòng bỏ rơi. Brookfield và Apollon đầu tư khoảng 26 tỷ đô vào đây. Còn đối với chính phủ Mỹ, Intel đã trở thành công ty sản xuất chip quan trọng nhất và có mối liên quan mật thiết đến các chính sách an ninh quốc gia của Mỹ.
Hay nói trắng ra, Mỹ sẽ không để Intel Foundry thất bại, đặc biệt khi Trung Quốc liên tục đạt được các thành tựu dù chịu những cấm vận nghiêm khắc đối với chất bán dẫn.
Ngay cả khi Intel bán Foundry đi chăng nữa, liệu bên nào đủ can đảm để mua một công ty đang lỗ hàng tỷ đô mỗi quý?
Với Gelsinger, canh bạc này là sự thay đổi lớn nhất để từ khi Intel chuyển từ sản xuất bộ nhớ sang bộ vi xử lý. Bước đi này có thể là chiến lược đúng, nhưng chắc chắn không dễ và không vui chút nào.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn