Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày không biết và không liên quan đến việc phát hành trái phiếu, nhưng, ‘không ý kiến gì về nội dung của cáo trạng vì bản thân tôn trọng cáo trạng’.
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc tập đoàn; là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp; chủ trì họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty CP chứng khoán Tân Việt – TVSI, gồm các bị cáo: Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành, Hồ Bửu Phương, sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu.
Đồng thời, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng chạy dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành, sau đó thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn người dân (nhà đầu tư) thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu. Tính đến ngày 7.10.2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại.
“Chủ trương phát hành trái phiếu là của SCB”
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, không ý kiến gì về nội dung của cáo trạng vì bản thân tôn trọng cáo trạng. Về các lời khai của 28 bị cáo khác trước tòa, bị cáo Lan mong rằng HĐXX xem xét cho 28 bị cáo trong nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì họ không hưởng lợi gì, chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình.
Chủ tọa hỏi về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan khai có 2 Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, một tập đoàn thành lập 19.6.1992, sở hữu hơn 80%, sau đó 2 con gái lớn rồi nên trích cho con gái mỗi đứa 10%, giờ bị cáo còn 60%, bị cáo làm Chủ tịch HĐQT. Ngành nghề của tập đoàn chuyên phát triển về bất động sản, cho đến nay không có ngành nghề gì liên quan đến ngân hàng. Còn một Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyên đầu tư các dự án, về hoạt động tài chính bị cáo phụ trách. Hai tập đoàn này chỉ khác nhau thêm chữ đầu tư Vạn Thịnh Phát.
“Bị cáo chưa bao giờ xuất hiện ở SCB. Tập đoàn không cử ai đi làm liên quan đến trái phiếu ở SCB”?
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan khai, bà rất sợ làm chứng khoán. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có tài chính vững chắc, không có nhu cầu lấy tiền của dân, hay niêm yết giá chứng khoán… Bị cáo không biết gì liên quan đến trái phiếu, bị cáo hoàn toàn không biết gì liên quan chủ trương phát hành trái phiếu.
“Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kinh doanh lĩnh vực khác, không thích làm gì đến trái phiếu nên không liên quan. Trước đây do Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB) đề xuất nói rằng SCB bị thanh tra nhiều quá, thì giờ Hồng hỏi công ty nào có khả năng làm trái phiếu, thì tôi nói rằng tôi không có nhu cầu…”, bị cáo Lan khai trước tòa.
Bà Lan tiếp tục trình bày: “Bị cáo nghĩ rằng nếu hôm nay không cho mượn công ty thì ngân hàng sẽ sụp đổ, nên bị cáo chỉ cho mượn công ty, còn bị cáo không liên quan đến trái phiếu”.
Chủ tọa hỏi: “Vậy có chủ trương cho Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) làm trái phiếu không?”. Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời rằng, thời gian bị cáo chủ yếu ở nước ngoài, ít ở Việt Nam, nên khi rảnh buổi trưa thường mời Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt – TVSI, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng ăn trưa.
“Mời ăn trưa là liên quan đến niêm yết, trong đó có câu chuyện mượn công ty để phát hành trái phiếu, còn chủ trương là của SCB. Lúc này bị cáo có hỏi cho mượn công ty có sao không, thì anh em nói rằng không sao đâu, bị cáo mới cho mượn công ty để phát hành trái phiếu, còn ai chủ trương phát hành thì do SCB, chứ không phải của bị cáo”, bị cáo Lan nói.
Bị cáo Trương Mỹ Lan đau xót vì người nhà, thông gia mua 5.000 tỉ đồng trái phiếu
Chủ tọa nói các bị cáo tại tòa hôm nay đều khai việc phát hành trái phiếu từ chủ trương của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Lan nói rằng bị cáo sẵn sàng chịu trách nhiệm cho người dân, riêng về phát hành trái phiếu của An Đông, thì bị cáo rất đau lòng, vì người nhà, thông gia mua trái phiếu 5.000 tỉ đồng.
Chủ tọa tiếp: “Trong việc phát hành trái phiếu này thì vai trò của các bị cáo ở ngân hàng thế nào?”. Bị cáo Lan nói bị cáo chỉ biết cho mượn công ty để phát hành, bị cáo có nói Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông) có gì hỗ trợ SCB nhé, thì lúc đó chỉ có SCB mới biết phải làm gì.
Chủ tọa hỏi: “Về nguyên tắc thì phát hành trái phiếu này có phải có tài sản đảm bảo không”, bị cáo Lan nói bị cáo không biết. Chủ tọa hỏi: Đối với trái phiếu An Đông, tiền thu về bị cáo sử dụng số tiền đó thế nào? Bị cáo Lan nói bị cáo không sử dụng tiền trái phiếu, vì Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu, người nhà bị cáo mua trái phiếu 5.000 tỉ đồng, nên việc phát hành trái phiếu ngày nào, giờ nào bị cáo không hay biết.
Trong 2 ngày trước đó và sáng nay, HĐXX đã thẩm vấn 27 bị cáo trong nhóm hành vi phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo trạng truy tố.
Liên quan đến vụ án giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn bị truy tố về hành vi rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng từ nguồn tham ô tài sản của SCB; vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng).
Trước đó, tháng 4.2024, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác giai đoạn 1, tuyên bị cáo Lan tử hình vì chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỉ đồng.
Dự kiến, cuối tháng 10.2024, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của Trương Mỹ Lan và một số bị cáo, người liên quan.
Nguồn: thanhnien.vn