Nhiều thế hệ người dân xóm Núi (thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) tin rằng động núi Bàu Nhi linh thiêng, che chở cho dân làng nên người dân chung tay bảo vệ núi.
Nhiều người cho rằng xóm Núi ở thế phong thủy “trước sông, sau động” và tên gọi nhiều địa danh, sự vật ở khu vực này đều mang yếu tố linh thiêng. Lưng xóm Núi tựa vào động núi Bàu Nhi. Minh đường của xóm Núi là dòng sông Miếu lặng lẽ chảy, chở đầy hoa sen hồng. Nhờ đó, gió nam mùa chớm hè chốc chốc lại thổi vào xóm Núi mang theo hương thơm thoang thoảng. Hai bên sông Miếu là đồng lúa xanh ngát. Mùa mưa, đây là vùng “tụ thủy” của các cánh đồng xung quanh trước khi chảy ra biển.
Đứng từ xa nhìn vào, xóm Núi như được bao phủ bởi màu xanh của động núi Bàu Nhi, cảm giác thật bình yên. Người cả đời sống trong xóm Núi thì luôn gắn bó với núi, còn người đi xa lập nghiệp luôn khắc khoải nhớ động núi Bàu Nhi. Nhưng vì sao gọi là “động núi Bàu Nhi”, người dân xóm Núi không ai lý giải được, có người nghi ngờ có thể núi này thuộc sở hữu của Bàu Nhi nào đó vào thời xa xưa.
Năm nay 86 tuổi, từ khi sinh ra cho đến nay đều sống ở xóm Núi, cụ Nguyễn Tình chứng kiến bao thăng trầm của động núi Bàu Nhi. Thời Pháp thuộc và 9 năm kháng chiến chống Pháp, do liên quan đến việc tâm linh, dân làng bảo vệ núi rất đặc biệt. Những năm tháng đó, cách mạng từng cắm cờ trên động núi Bàu Nhi, hiệu triệu bà con chống ngoại xâm. Sau đó, du kích, bộ đội đặc công thường ẩn mình trong núi để đánh đồn lính ở núi Nổng Cồ bên cạnh. Do vậy, ngoài việc dùng pháo cày nát ngọn núi, quân địch còn nhiều lần đem súng phun lửa đốt cháy núi. Hòa bình lập lại, người dân xóm Núi đã đồng lòng bảo vệ, giữ màu xanh cho động núi Bàu Nhi.
NÚI THIÊNG CỦA XÓM
Bảo vệ núi động Bàu Nhi hơn 30 năm nay, ông Phạm Tiện (62 tuổi, ở xóm Núi) thuộc từng bước chân, gốc cây, bụi cỏ trên đường lên đỉnh núi. Cùng ông Tiện lên núi, cảm giác thật bình yên. Rừng cây mát rượi, chỉ có tiếng chim gọi nhau và ve ngân râm ran. Ngoài những cây cổ thụ còn sót lại, nhiều cây rừng ở núi động Bàu Nhi to bằng đùi, bằng bụng người được khôi phục khoảng 40 năm nay nhờ công gìn giữ của người dân xóm Núi.
“Ở đây cây thuốc nam nhiều, nào là sâm cau, huyết long… Lâu lâu có người đến đây đào, hái. Nhưng hái thì được, còn đào thì dân xóm Núi không đồng ý, vì sợ sẽ hết cây thuốc”, ông Tiện nói.
Đi vào động núi Bàu Nhi, tôi hiểu vì sao dân ở đây không mấy người dám một mình lên núi. Ngoài chuyện linh thiêng truyền miệng của dân làng, dây leo trên núi có hình dáng khá quái dị. Nhiều chỗ nhìn như loài mãng xà lớn đu bám, treo lủng lẳng, vắt vẻo từ cây này sang cây khác, lớn thì như bắp vế, còn nhỏ thì cuồn cuộn vào thân cây như dây thừng. Ông Tiện cho biết đó là dây huyết long, ở đây gọi là sâm huyết, một loài thuốc nam quý hiếm.
Khi được giao bảo vệ động núi Bàu Nhi, ông Tiện cùng một số dân xóm Núi hầu như ngày nào cũng lên núi đi tuần. Thế nhưng vẫn không tránh được một số người lén chặt cây, đốt ong, cài bẫy bắt thú, chim. Để bảo vệ rừng, ông Tiện và dân xóm Núi nhắc nhở, thậm chí có lúc phải dùng biện pháp mạnh. Theo ông Tiện, khi chưa có quy định về bảo vệ động núi Bàu Nhi, một số người vào đây đốn cây bụi làm củi, một số thì xin rồi mới khai thác cây lớn làm cột nhà, nhưng rất hiếm. Từ khoảng 40 năm nay, bà con xóm Núi tập trung vào việc bảo vệ núi, không còn “xin, cho” chặt cây như trước nữa.
Đi lên động núi Bàu Nhi, ông Tiện vạch rừng cây đưa tôi đến hố Đá Mọc. Gọi hòn đá thì không đúng, vì đó là tảng đá nguyên khối, cao hơn 3 m, nằm chênh vênh trên bờ một hố sâu. Điều lạ là chân tảng đá không ăn liền vào phiến đá bên dưới, mà có vết như bị cắt đôi.
Ông Tiện tiếp tục dẫn tôi đến “sân tiên” trên gần đỉnh núi. Theo ông Tiện, hồi nhỏ khi lên đây, “sân tiên” này là mảnh đất bằng phẳng, có đá sắp lô nhô thành hàng và đặc biệt không có cây cối mọc, chỉ có cây bụi nhỏ. Ở gần đó có nhiều phiến đá nhỏ sắp vòng xung quanh khoảnh đất nhỏ. Thế hệ đi trước kể lại rằng, đó là nơi tiên từ trời xuống chơi và đánh cờ. Nhưng bây giờ, “sân tiên” đã có cây cối mọc đầy, còn chỗ ngồi chơi cờ cũng lộn xộn hơn, đá không còn ngay ngắn như lời kể.
Người dân xóm Núi kể ngày xưa có ông khổng lồ gánh đôi sọt chuyển núi ở đồng bằng lên phía tây. Hôm đó, đang gánh thì bị gãy, một sọt là núi Vạc (xã Bình Thới, nay là TT.Châu Ổ, H.Bình Sơn), còn đầu kia là động núi Bàu Nhi bây giờ. Thuở trước, người ở thôn Châu Tử (xã Bình Nguyên) cũng tự nguyện xin bảo vệ núi Bàu Nhi vì cho rằng núi này là linh khí của thôn, nếu bị cạo trọc hay đốt phá sạch thì người trong thôn bị đau ốm, làm ăn thất bát.
Theo ông Đồng Huân Chương, Bí thư Đảng ủy xã Bình Nguyên, ngọn núi Bàu Nhi có diện tích hơn 9,1 ha. Đây là ngọn núi ở sát khu dân cư nhưng rất tươi đẹp, không bị chặt phá cho đến ngày hôm nay là nhờ cộng đồng xóm Núi chung tay bảo vệ. Chính quyền khuyến khích bà con luôn có tinh thần tự giác và sắp tới sẽ hướng đến việc hỗ trợ dân bảo vệ rừng này bằng hương ước.
Nguồn: thanhnien.vn